EVN đứng trước nguy cơ phá sản nếu không tăng giá điện |
“Nếu không tăng giá điện, EVN rất khó vay vốn và việc thu hút đầu tư vào ngành điện sẽ vô cùng khó khăn”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay. Trao đổi với báo chí bên lề cuộc gặp mặt chiều 26/1, nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề tăng giá điện và hoạt động của Tập đoàn Điện lực EVN đã được đặt ra với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Theo đó, Thứ trưởng Hải khẳng định, tới đây giá điện sẽ được điều chỉnh với 3 phương án nhưng phương án cụ thể phải được tính toán dựa trên sức chịu đựng của nền kinh tế. Trước quan điểm cho rằng, năng suất lao động, quản trị của EVN thiếu minh bạch, yếu kém nên dẫn tới lỗ khủng, nay lại muốn hạch toán chi phí lỗ vào giá thành điện để người tiêu dùng phải "gánh" là không công bằng, ông Hải phản bác, “không ai có thể nói EVN tăng giá chỉ để bù lỗ và cũng không thể nói chuyện tăng giá bù đắp được các khoản lỗ của EVN. Vấn đề mấu chốt là cần đưa giá điện tiến tới giá thị trường, chứ không nên làm bóp méo nó đi”. Theo số liệu thống kê, giá điện của Việt Nam mặc dù ở mức thấp hoặc tương đương với một số nước trong khu vực nhưng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn nhiều. Do đó có ý kiến đánh giá giá điện Việt Nam là cao nếu tính theo thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể, trong khi giá điện của Việt Nam tương đương với Malaysia, Indonesia nhưng thu nhập bình quân của Việt Nam vào năm 2013 là 1.911 USD/người/năm còn Malaysia là 10.538 USD/người/năm, Indonesia là 3.475 USD/người/năm… Nêu quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Hải cho rằng, ưu tiên hàng đầu đối với giá điện phải “chuẩn với thị trường”, trường hợp thu nhập thấp người dân phải có trách nhiệm dùng ít thay vì dùng nhiều điện. Thứ trưởng Hải cho biết, tại cuộc làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây về tài chính của EVN, các chuyên gia của WB đã báo động về tình trạng tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bởi giá điện quá thấp. Nếu kéo dài tình trạng này, EVN có thể sẽ phá sản. Ảnh minh họa Ông Hải nói: “Các chuyên gia của WB khuyến nghị, giá điện của Việt Nam sẽ phải tăng tới 40% trong vòng 3 năm tới, tính từ năm 2015 mới có thể “cứu” nổi ngành điện. Hiện Ngân hàng Thế giới phải xem xét tình hình tài chính của EVN, giá thành điện cũng như giá bán ra của ngành điện để quyết định việc có cho các dự án điện của EVN vay vốn hay không. “Nếu không tăng giá điện, EVN rất khó vay vốn và việc thu hút đầu tư vào ngành điện sẽ vô cùng khó khăn”, ông Hải cho hay. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, để chủ động điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam không có cách nào khác là phải tăng đầu tư sản xuất điện trong nước, giảm nhập khẩu (mà trước mắt là giảm nhập điện từ Trung Quốc). Muốn tăng sản xuất điện trong nước, thu hút được đầu tư vào ngành điện thì buộc phải tăng giá điện lên. Ông Hải cũng cho biết, có 3 phương án về điều chỉnh giá điện đang được Bộ Công thương và các bộ ngành tính toán, từ mức tăng thấp đến vừa, cao. Tuy nhiên, tăng giá điện ở mức nào tới đây vẫn cần phải cân nhắc để đảm bảo hỗ trợ người nghèo, phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội. Theo chính sách hỗ trợ giá điện dành cho người thu nhập thấp, người nghèo hiện nay, mỗi tháng các hộ thuộc diện nghèo được hỗ trợ 30kWh điện/tháng, tương đương khoảng 50.000 đồng/tháng. Chính sách này vẫn sẽ được duy trì nếu giá điện được điều chỉnh. Với mức hỗ trợ này, theo vị Thứ trưởng Bộ Công thương, các hộ nghèo cũng không sử dụng hết. Nhấn mạnh một lần nữa chuyện tăng giá điện là “chuyện chẳng đừng”, người phát ngôn Bộ Công thương bày tỏ quan điểm, giá điện tăng sẽ khiến giảm sản lượng nhập khẩu điện giá cao từ Trung Quốc, hơn nữa sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài “đổ” vốn vào đầu tư lĩnh vực điện, thị trường mới có cạnh tranh và lành mạnh. Thứ trưởng Hải cũng cho biết, giá điện của Việt Nam hiện đang thấp thứ 31 trên tất cả các nước, việc tăng giá điện sẽ giúp kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. “WB ủng hộ việc tăng 40% trong vòng 3 năm tới, nếu không EVN sẽ phá sản do không đủ khả năng bù lỗ. Trong khi nếu đưa ra thị trường, có thêm người đầu tư sản xuất điện, lúc đó mới có sự cạnh tranh lành mạnh”, Thứ trưởng Hải phân tích. Một vấn đề khác cũng đặt ra, theo phân tích của Thứ trưởng Hải việc giá điện thấp, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bù lỗ cho doanh nghiệp đồng nghĩa với việc hỗ trợ cho doanh nghiệp nước ngoài khi doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sản xuất thép, tôn được hưởng chế độ giá điện rất rẻ. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định: Tới đây, dù có điều chỉnh giá điện thì cũng sẽ chưa bù đắp được hết các khoản chi phí tăng lên của EVN. Người phát ngôn Bộ Công thương nói: “Dù giá điện có được điều chỉnh thì mức giá sẽ vẫn thấp hơn giá thị trường”. Trước đó, ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN cũng cho biết, các khoản như lỗ tỷ giá vẫn còn treo 8.800 tỷ đồng, cộng với các chi phí phát sinh từ việc tăng giá than 2 lần, khí, thuế tài nguyên nước, phí môi trường rừng… đến hết năm 2014, gộp lại các chi phí tăng thêm của EVN bước sang năm 2015 đã lên tới gần 17.000 tỷ đồng phải tính vào giá điện. Còn ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, Bộ Công thương sẽ xem xét phương án đề xuất tăng giá điện của EVN. Theo đó, nếu chi phí đầu vào của EVN tăng 7-10% thì cho phép tập đoàn này được tăng giá điện; nếu tăng trên 10% và giá điện nằm ngoài khung giá phát 1.437-1.835 đồng/kWh thì Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính thẩm tra trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Được biết, năm 2014, giá bán điện bình quân toàn EVN đã đạt 1.529 đồng/kWh, tăng 30 đồng/kWh so với năm 2013. Doanh thu bán điện toàn tập đoàn ước đạt 196.370 tỷ đồng, tăng 13,57% so với năm 2013. Theo Nguoiduatin Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|