Google bị gọi là 'gã khờ' khi mua YouTube |
Khi Google mua lại mạng chia sẻ video YouTube năm 2006, một công ty mới 1,5 tuổi và tiềm ẩn nhiều rủi ro về tiền bạc, pháp lý, nhiều người đã gọi Google là "gã khờ". YouTube, mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới, tròn 10 tuổi vào năm nay. Nó đã trở thành một phần không thể thiếu của Internet thay vì chỉ là một dịch vụ sống nhờ vào Internet. Đây là nơi để bạn đăng tải video về bất cứ thứ gì trên đời và nó được dùng bởi tất cả mọi người, từ người bình thường cho đến tập đoàn lớn. Có thể xem YouTube như cuộc cách mạng video nền web. Nó khiến cho việc tải video, phát video dễ dàng như tải ảnh và cho phép mọi người nhúng video vào các website khác. Quy mô của YouTube tăng lên theo thời gian. Hiện tại, nó đã có 1 tỷ người dùng với 61 ngôn ngữ khác nhau. Cứ mỗi phút, số video tải lên có thời gian bằng 12 ngày, tức là mỗi ngày lượng video tải lên có thời gian bằng 50 năm. YouTube chỉ có phát triển mà không tụt lùi. Số giờ xem YouTube tăng 50% so với năm ngoái. Tuy nhiên, người ta rất dễ quên rằng thành tựu của YouTube ngày nay lại không đến từ… YouTube. Những ngày đầu tiên, cuộc chiến giữa các website chia sẻ video vô cùng khốc liệt. Công ty không chỉ đối đầu với “ác mộng” băng thông mà còn đối mặt với đội quân luật sư từ các hãng truyền thông khác nhau muốn đóng cửa nó. Dù vậy, nhờ Google chống lưng, YouTube đã chống lại được các luật sư và nhờ đứng chung chiến tuyến với Google, YouTube có thể phục vụ video cho toàn thế giới Internet mà không lo bị phá sản bởi hóa đơn dữ liệu. “Kỷ nguyên bóng tối” của Web video Trước YouTube, Web video chìm trong bóng tối. Có thời điểm chỉ có công cụ xem video lớn cạnh tranh với nhau: Real Player, Apple QuickTime, Microsoft Windows Media Player. Tất cả đều chạy các định dạng video độc quyền khác nhau, khiến webmaster (quản trị web) phải đăng video ở cả 3 định dạng để thu hút được số đông khán giả. Thi thoảng, các video còn phải tải ở các kích thước khác nhau để hỗ trợ nhiều loại kết nối, tăng thêm công việc cho webmaster. Phát video đồng nghĩa với việc tải file về và chơi bằng 1 trong 3 trình phát video nói trên hoặc sử dụng plugin trình duyệt. Chia sẻ video qua email thường phải đính kèm cả tập tin trong thư. Sau này, Flash cải thiện chút gì đó bằng cách đặt trình phát video nhúng được vào website nhưng vẫn phải phụ thuộc vào quản trị web. Đó là chưa kể đến các vấn đề về bảo mật trong Flash qua nhiều năm. YouTube ra đời YouTube được thành lập tháng 2/2005 bởi 3 cựu nhân viên PayPal. Dù chưa được công khai, video đầu tiên tải lên website 10 năm trước (23/4/2005) là của Jawed Karim, 1 trong 3 nhà sáng lập, có tựa đề “Me at the zoo” (Tôi ở sở thú). Website chính thức mở cửa tháng 5 sau đó và trở thành cú “hit” ngay lập tức. Năm 2006, nó là trang web phát triển nhanh nhất với khoảng 20 triệu người xem mỗi tháng. Dường như cả thế giới Internet đều truy cập YouTube để xem các clip “hot” như “Evolution of Dance”, “Lazy Sunday”. Tuy nhiên, chính “Lazy Sunday” lại bộc lộ một vấn đề lớn với YouTube: đó chính là bản quyền. Đây là nội dung bản quyền chiếu trên truyền hình, được người dùng tải một cách bất hợp pháp lên YouTube. Bên cạnh các video của các nhà làm phim không chuyên, blogger, toàn bộ các chương trình, phim, nhạc bản quyền đều đặn xuất hiện trên YouTube. Tháng 2/2006, NBC là 1 trong những hãng đầu tiên lên tiếng yêu cầu gỡ bỏ “Lazy Sunday” sau khi clip thu hút hơn 1 triệu lượt xem. Dù có công giới thiệu chương trình đến đối tượng khán giả mới và giúp lôi kéo nhiều sự chú ý, NBC không thích việc ai đó phát nội dung này. Sau đó, YouTube phải đồng ý hạ video. Thời điểm đó, YouTube quá bận rộn để duy trì sự tăng trưởng đến mức không có thời gian để lo lắng cho vấn đề xâm phạm bản quyền ngày một leo thang. Tháng 3/2006, một tháng sau khiếu nại của NBC, YouTube mới phản kháng. Các video mới được giới hạn trong 10 phút, khiến việc tải trọn bộ phim hay chương trình truyền hình lên dịch vụ trở nên khó khăn hơn. Cộng đồng cũng phản ứng ngay tắp lự: chia nội dung lậu thành các đoạn ngắn có độ dài 10 phút. Động thái tiếp theo của YouTube nhằm hạn chế xâm phạm bản quyền là vào tháng 9/2006. Công ty ký hợp đồng với hãng thu âm Warner Music để đưa toàn bộ clip nhạc của hãng lên trang, đổi lại sẽ giảm chi phí quảng cáo. Dù giúp hợp pháp hóa 1 tỉ lệ nhỏ các video YouTube, việc cho đi 1 phần doanh thu quảng cáo không giúp YouTube thanh toán được các hóa đơn. Nó dần trở thành một gánh nặng. Hơn nữa, thỏa thuận với một công ty không thể che giấu việc hàng triệu nội dung vi phạm bản quyền khác đang tồn tại trên YouTube. Hiệp hội thu âm Mỹ (RIAA) đã đưa YouTube vào “tầm ngắm” vì việc sử dụng nhạc không bản quyền. Tổng Giám đốc hãng ghi âm Universal Music còn tuyên bố YouTube là người đã vi phạm bản quyền và nợ họ hàng chục triệu USD. Thời gian này, YouTube thu hút được khoảng 11,5 triệu vốn đầu tư nhưng với việc tiêu tốn 200Tb dữ liệu mỗi ngày, chi phí băng thông ước tính đã “ngốn” khoảng 2 triệu USD/tháng trong khi chỉ có 1 hoặc 2 trang quảng cáo trên một trang. Khi đó, không ai tin rằng YouTube sẽ sống sót. Doanh nhân Jason Calacanis viết một bài có tựa đề “YouTube không phải doanh nghiệp thực sự” và so sánh nó với Kazaa, Napster. Tỷ phú dotcom Mark Cuban cho rằng “chỉ có kẻ khờ mới mua YouTube”. Google mua YouTube Thật không ngờ, “gã khờ” đó chính là Google. Ngày 9/10/2006, Google mua lại YouTube, công ty mới 1,5 tuổi, với giá 1,65 tỷ USD. Google đã mua lại một trang nổi tiếng nhưng chi phí hoạt động tốn kém và thiếu mô hình kinh doanh. Ngoài ra, hãng tìm kiếm Internet còn phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện tiền tỷ từ các công ty nhạc, phim, truyền hình. Thực chất, Google và YouTube đúng là “cặp đôi trời sinh”. Google đang chạy Search, AdWords/ AdSense, Gmail, Maps, News và Blogger. Nó sở hữu cơ sở hạ tầng để không chỉ giữ YouTube phát triển mà còn giảm chi phí hoạt động. Đây là một trong những giải pháp tốt nhất cho vấn đề doanh thu của YouTube. Google còn điều hành cả mạng lưới quảng cáo lớn với hàng tấn khách hàng. Trong một thời gian dài, động thái của Google được miêu tả là điên rồ, với những bài báo như “YouTube bi đát” xuất hiện từ cuối năm 2009. Như thường lệ, Google đánh giá mọi thứ trong dài hạn. “Gã khổng lồ” đưa YouTube vào khuôn khổ một cách từ từ. Theo ICTNews Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|