Những quy định có hiệu lực từ tháng 2/2016 |
Thi công trên công trường được hỗ trợ bảo hiểm 100 triệu đồng/người/vụ; Tiền ăn trưa, hỗ trợ xăng xe, nuôi con nhỏ... không phải đóng BHXH; quy định 6 tổ chức được phép tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2016. Nhà thầu phải mua bảo hiểm cho người lao động tối thiểu 100 triệu đồng/người/vụ Nghị định 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng có hiệu lực từ 10/02/2016. Theo đó, nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường với mức bảo hiểm tối thiểu là 100 triệu đồng/người/vụ. Cũng từ ngày này, chủ đầu tư hoặc nhà thầu các công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng; công trình đầu tư xây dựng có ảnh hưởng lớn đến môi trường thuộc Danh mục dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm công trình trong thời gian xây dựng. Tiền ăn trưa, hỗ trợ xăng xe, nuôi con nhỏ... không phải đóng BHXH Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH bắt buộc. Theo đó, các khoản phụ cấp hỗ trợ và phúc lợi xã hội như sau sẽ không bị tính đóng BHXH bắt buộc. Cụ thể: - Tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; - Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ; - Trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động sẽ không bị tính đóng BHXH bắt buộc. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15-2-2016. 6 tổ chức được phép tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài Có hiệu lực từ 15/02/2016, Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Theo đó, 6 tổ chức được phép tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài gồm: 1- Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; 2- Quỹ đầu tư chứng khoán thông qua công ty quản lý quỹ (quỹ đầu tư chứng khoán), công ty đầu tư chứng khoán; 3- Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; 4- Ngân hàng thương mại; 5- Công ty tài chính tổng hợp; 6- Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Nghị định còn quy định để được tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, tổ chức tự doanh phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (không áp dụng đối với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán). Tổ chức tự doanh là quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán muốn tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thì phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Được khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Nội dung này được nêu tại Nghị định 137 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân, có hiệu lực từ ngày 15/2/2016. Theo Nghị định, công dân sẽ được khai thác thông tin của mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua việc giải quyết thủ tục hành chính , thông qua văn bản yêu cầu khai thác thông tin hoặc thông qua dịch vụ viễn thông. Ngoài những trường hợp này, công dân có nhu cầu khai thác thông tin phải có văn bản yêu cầu và được sự đồng ý của cơ quan quản lý. Về cấp số định danh cá nhân (gồm 12 số, trong đó 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc mã quốc gia nơi đăng ký khai sinh và 06 số ngẫu nhiên), Nghị định quy định, cá nhân sẽ được cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh; trường hợp đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, số định danh cá nhân sẽ được cấp khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân . 5 trường hợp Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện Theo Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông có hiệu lực từ 15/2/2016, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau: 1. Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ; 2. Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên; 3. Thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề; 4. Có văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; 5. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông. Theo nld.com.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|