top-banner-2

Chủ nhật, 04/05/2014, 08:55 GMT+7

TP HCM: Đột phá trong giải pháp hỗ trợ DN

Với tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP của TP HCM tới 58%, khối DN tư nhân đã minh chứng cho sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các giải pháp hỗ trợ DN của TP HCM.

Phó Chủ tịch TP HCM Lê Mạnh Hà

Phó Chủ tịch TP HCM Lê Mạnh Hà

Kỷ niệm 39 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014), pv đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà.

Phó Chủ tịch TP HCM Lê Mạnh Hà cho biết, ngoài các nội dung đã thực hiên trong nhiều năm qua, TP đã triển khai một số giải pháp mới hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh và sẽ tiếp tục trong năm 2014.

- Thưa ông, tiếp cận vốn là một trong những khó khăn mà nhiều DN gặp phải. TP làm gì để cải thiện tình trạng này?

Thời gian qua, chính quyền TP đã tổ chức kết nối ngân hàng với DN ở cấp TP, cấp quận huyện và thậm chí xuống đến cấp phường. Tính đến tháng 4/2014, có 24 quận huyện trên địa bàn tham gia chương trình kết nối này và theo đó ngân hàng đã ký kết với 9 quận, huyện cho 237 DN vay 5.300 tỷ đồng, với lãi suất vay ngắn hạn không quá 8% /năm và trung, dài hạn không quá 10% /năm. Có thể nói đây là một chương trình giúp DN tiếp cận vốn khá tốt.

Trong kế hoạch tiếp theo, ngân hàng sẽ tiếp tục ký với các DN của 15 quận, huyện còn lại đến tháng 7/2014 sẽ hoàn tất kết nối (đợt 1) cho các DN vay với số vốn 10.000 tỷ đồng. Đặc biệt, từ nay đến cuối tháng 6/2014, các ngân hàng trên địa bàn phải triển khai hoàn tất kế hoạch cho vay và mở rộng cho vay sang các lĩnh vực KCN, KCX, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao… và cả lĩnh vực các DN Nhà nước cần vay vốn để đổi mới công nghệ…

- Cải cách hành chính cũng là một trong những ưu điểm của TP HCM. Ưu điểm này sẽ được phát huy trong năm 2014, thưa ông?

Về thủ tục hành chính, từ đầu năm 2014, TP đã đưa vào hoạt động Hệ thống đăng ký kinh doanh tại nhà. Đây là hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ nhận, trả hồ sơ của bưu điện để phục vụ tốt nhất cho DN. DN được hướng dẫn tận tình qua mạng Internet để lập hồ sơ. Sau đó bưu điện sẽ nhận hồ sơ tại nhà và trả giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng tại nhà cho DN.

Hệ thống này giúp cho DN không phải đến cơ quan nhà nước chầu chực mất thời gian và nhiều khi bị hành, thậm chí nhũng nhiễu. Đăng ký kinh doanh tại nhà thực sự đáp ứng được nhu cầu của DN. Đến nay đã có trên 1.000 DN được phục vụ đăng ký kinh doanh tại nhà. Nhiều tỉnh đã đề nghị thành phố chuyển giao phần mềm này để phục vụ DN tốt hơn.

Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, bên cạnh việc nghiên cứu, nhân rộng mô hình thí điểm “một cửa” và khảo sát ý kiến người dân khi đến làm việc tại các cơ quan hành chính (dự kiến sẽ triển khai nhân rộng toàn TP trong quí II năm nay), TP cũng chú trọng chú trọng mô hình ứng dụng các chương trình phần mềm liên thông giữa các đơn vị liên quan trong cùng một quận, huyện và tiến đến trên toàn TP để luân chuyển dữ liệu quản lý, giúp giảm số lần đi lại, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, DN và cơ quan nhà nước, cũng như ứng dụng ISO vào quy trình giải quyết hồ sơ. Đặc biệt, phần mềm liên thông giữa Chi cục thuế với Phòng Kinh tế sẽ giúp quy trình đăng ký thuế chỉ diễn ra trong vòng 30 phút thay vì 10 ngày như quy định cho phép và đẩy nhanh tiến độ cấp mã số thuế ngay trong ngày đối với hộ kinh doanh - là những DN siêu nhỏ và rất đông đảo trên địa bàn.

- Có một điểm đặc biệt là năm 2014, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chảy mạnh vào TP HCM với tổng vốn đăng kí đầu tư FDI của quí I đã gần xấp xỉ tương đương cả năm 2013. Hẳn TP cũng đã có những cải cách đặc biệt để thu hút đối tượng DN đầu tư FDI, thưa ông?

Thực tế, thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư cho DN có vốn đầu tư nước ngoài thường kéo dài và chậm trễ, ảnh hương không ít đến môi trường đầu tư. Năm 2013 chúng tôi thống kê số ngày trễ hẹn trung bình là 22 ngày, có hồ sơ trễ hẹn đến trên 200 ngày. Nguyên nhân chính là các bộ, các sở, ngành trả lời ý kiến thẩm tra của cơ quan cấp phép quá thời gian quy định, thậm chí không trả lời. Ý kiến trả lời thì trong không ít trường hợp là không thống nhất, không nhất quán, khiến cho cơ quan cấp phép lung túng.

Để giải quyết tình trạng này, UBND TP đã quyết định là không hỏi ý kiến các bộ ngành nữa và tự chịu trách nhiệm khi ký giấy phép đầu tư, chỉ hỏi ý kiến nếu luật hay nghị định quy định cụ thể. Làm như vậy thì DN được lợi và các bộ ngành cũng đỡ vất vả. TP cũng sẽ công khai quá trình giải quyết hồ sơ. Hiện nay toàn bộ quá trình luân chuyển hồ sơ đã được kiểm soát trên mạng nội bộ. Sắp tới từng DN sẽ biết được hồ sơ của mình được giải quyết như thế nào qua hệ thong này. Hiện giờ nhà đầu tư nhận được email về các văn bản trao đổi của các cơ quan nhà nước để biết được tình trạng hồ sơ của mình.

- Xin cảm ơn ông !

Theo Xaluan.com


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

TP HCM: Đột phá trong giải pháp hỗ trợ DN

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3