Thổn thức cổng làng cổ Đường Lâm |
Trở lại Đường Lâm trong một buổi chiều cuối năm hiu hiu lạnh. Đường Lâm trong ký ức tôi là một ngôi làng cổ xưa đậm nét Bắc Bộ, đó là những chiếc cổng đá ong đỏ au óng ánh trong nắng chiều và khói rơm rạ, với những ngôi nhà cổ 5 gian bằng gỗ, mái ngói rêu phong, những chum tương được xếp như ma hồn trận trên sân, những bà cụ răng đen hạt na cười óng ánh màu nắng…
In dấu đậm nhất trong tôi về một làng quê Bắc Bộ cổ… đẹp mộc mạc một cách dung dị. Khi mùa gặt, rơm phơi khắp đường làng, bờ giậu; khi mùa cấy, gió đông rin rít hút bờ tre, lúc chập choạng hoàng hôn, đình làng í a thôn nữ nào hát, khi thì oi nồng trưa, chùa Mía ngân nga tiếng chuông, bà cụ bán nước chè xanh miệng bỏm bẻm nhai trầu ở kề đình làng Mông Phụ lấy tay quạt quạt chiếc quạt nan cười toe toét khoe hàm răng đen hạt na… Bước từng bước trên con đường lát gạch đỏ, ngắm những bờ tường xây bằng đá ong mới thực sự cảm nhận được sự thanh bình ở nơi đây. Vâng, tôi đã đến, ngắm, cảm và thổn thức trước một bức tranh Bắc Bộ cổ nguyên sơ ấy. “Đẹp đến nhức… tim” như ai đó từng thốt lên. Vậy mà lần này trở lại, có chút hụt hẫng, có chút cay cay trong khóe mắt… Làng cổ Đường Lâm đấy ư, một bức tranh chắp vá rệu rã với lổn nhổn những nhà cao tầng, những mái ngói đỏ được thay bằng tôn, bằng mái ngói tàu, những cửa gỗ, cổng gỗ được thay bằng những cổng sắt sơn xanh đỏ, những bức tường đá ong được chắp nối bằng vôi vữa gạch hoa… Đường làng được đổ bê tông trắng xóa, lổn nhổn phân trâu bốc mùi khăm khẳm khắp nơi… Tại sao những ngôi nhà cổ xưa, những bức tường, cổng làng bằng đá tổ ong đẹp đến kỳ ảo, đẹp đến mê hồn làm say mê du khách phương xa, các chủ nhân của nó lại muốn đập đi, thay bằng những khối bê tông ngạo nghễ? Tại sao nghề làm tương, nghề trồng cau, trồng lúa ở xứ sở này lại ngày một tàn lụi? Không ai muốn nữa đoái hoài? Một người sinh ra ở làng cổ, từng nhói lòng bỏ lại làng cổ lên phố, rơm rớm nước mắt nói: “Người làng cổ không sống được ở làng cổ. Du khách ư? Người ta tới, nhìn, ngó, ngợi khen, lưu lại những tấm hình kỷ niệm up lên bẩm báo với anh facebook là “ta đã đến nơi đây”, rồi lên xe đi mất. Người làng cổ chẳng được hưởng lợi lộc gì từ chính cái làng cổ phải giữ rất nghiêm ngặt như giữ di sản nhân loại này, như giữ “báu vật ngàn vàng” của con gái này”. Những vách tường tổ ong tạo nên vẻ độc đáo về kiến trúc cổ nơi đây. Cổng cũ còn sót lại. Có mấy làng cổ mà sống được nhờ làng cổ ở xứ sở này? Những ngôi làng cổ rải khắp xứ sở Việt Nam này theo thời gian mỗi lần tôi trở lại cứ lụi tàn dần đi… Một Hội An đã từng như Đường Lâm. Hội An ấy chỉ có bề dầy lịch sử 400 năm và một nền văn hóa pha tạp, một nền kiến trúc pha tạp. Nhưng Hội An ấy đã sống lại là chính nó khi người dân Hội An đã hưởng lợi từ chính nó nhờ phát triển du lịch. Vậy tại sao không phát triển du lịch ở Đường Lâm? Tại sao những người dân quê ấy cứ mãi nghèo đến vậy? Cứ phải xa xứ bỏ làng mà đi? Rời làng cổ trong một buổi chiều chênh chao bóng nắng sót lại trên những ngọn cây cau khi gió sông Tích quyện với khói chiều cứ bàng bạc mãi trong trí nhớ của tôi câu thơ của Vi Thùy Linh “Cổng làng cổ phờ phạc giữ tên”, những chiếc cổng đá ong còn sót lại giữa lổn ngổn những hiện đại đang muốn ngã sập vào nó… Có điều gì đang tuột mất và thời gian rồi sẽ xóa sạch…!
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|