top-banner-2

Thứ năm, 07/11/2019, 08:56 GMT+7

'Cho nhẹ lòng nhau': Cuộc đời qua góc nhìn của Đại đức Giác Minh Luật

Không ngôn từ hàn lâm, không nhiều tình tiết cao trào, mọi câu chuyện trong tập truyện "Cho nhẹ lòng nhau" của Đại đức Giác Minh Luật rất nhẹ nhàng, rất trung dung, và cũng rất “đời” qua góc nhìn thật từ bi.

Câu chuyện có thể là chuyện có thật của chính tác giả, ở những ngày xưa cũ, nghĩ về đời từ những thứ rất nhỏ, rất giản đơn; rồi lấy đó làm nền tảng để trưởng thành, chín chắn.

Nhân vật có thể là người tu trưởng thành, lặng lẽ nhìn để thương cho thân phận những con người cùng khổ - mất mẹ, mất niềm tin với đạo hoặc mất cha, mất điểm tựa của cuộc đời; rồi lại rớt nước mắt cùng nỗi khổ của chúng sanh - khi tưởng mất đi đứa con do mình dứt ruột đẻ ra, hoặc rời xa chốn nương thân bình yên - là cửa chùa - để đồng hành cùng mẹ. Hình ảnh này, tưởng ủy mị, nhưng thực chất lại thể hiện được tính từ bi trong suốt cả tuyển tập. 

cho-nhe-long-nhau-tgnnt

Nhân vật là người tu còn rất trẻ, nhưng biết cảm thông cho nỗi khổ của sư huynh đệ của mình - những nỗi khổ xuất phát từ nhớ thương dành cho gia đình, những nỗi khổ bắt nguồn từ dằn vặt khi đứng giữa hai dòng đời và đạo. Những người tu ấy, những nhân vật ấy hiểu tận cùng để hỗ trợ tận cùng khát khao được xuất gia, được trở thành nhà sư, được cống hiến hết mình cho đại chúng.

Tiếp đến, không thể thiếu khi tác giả là một nhà sư, đó là góc nhìn từ bi của một người con Phật. Luôn cảm thấu, luôn thương yêu, luôn sẵn sàng sẻ chia cùng người khác. Có thể, với một số người, hành vi đến chùa quậy phá là không chấp nhận được; nhưng với người tu, việc đánh thức Phật tánh của chúng sanh là điều nên làm - “Con bé Sen phá chùa”. Hoặc, chuyện một nữ tu ham muốn đội thử tóc lên đầu để tự xem hình tướng khác của mình ra sao, rất có thể sẽ bị đánh giá là còn si mê những điều trần tục; nhưng với cái nhìn của người tu, đó là một điều hết sức bình thường, mà vượt qua rồi ắt sẽ thấy nhẹ bẫng.

cho-nhe-long-nhau-4 

Dùng những hình tượng rất tâm linh - tiếng chuông, “linh hồn” của người cha đã khuất nay được làm chú tiểu, những đoạn trích Kinh - tác giả đã gửi gắm trọn vẹn được ý tứ của mình suốt cả tập, về sự thiêng liêng của tình mẫu tử, về giá trị thật của gia đình, về sự thức tỉnh của những người trẻ để tìm về bình an dưới chân Phật, về cả những khó khăn trên đoạn đường tu học chốn thiền môn. Và, những thứ tưởng giản đơn ấy để lại những điều thật sự sâu sắc, thiêng liêng mà đôi khi con người vội vã lãng quên. Hãy trở về, khi còn có thể! Hãy hiểu, để thương!

cho-nhe-long-nhau-1

 Giá trị lớn nhất ở “Cho nhẹ lòng nhau” mà tác giả - Đại đức Giác Minh Luật hướng đến, có lẽ là hiếu đạo. Sư nhắc nhiều về tình cảm giữa cha mẹ với con cái; từ đó khai thác tận cùng những dằn vặt, đấu tranh của nhân vật khi chọn giữa đạo và đời. Có lúc là nhân vật muốn xuất gia nhưng không đành lòng để mẹ ở lại một mình - như trong “Giữa đạo và đời”; cũng có lúc là sự hy sinh của cha mẹ để con được đuổi theo lý tưởng cuộc đời - như “Thưa Thầy! Con hoàn tục!”.

 cho-nhe-long-nhau-2

Sách được phát hành Gian hàng sách Saigon Books, đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh và các nhà sách trên toàn quốc.

Thông tin sách

- Tên sách: Cho nhẹ lòng nhau do Saigon Books và NXB Văn Hóa - Văn Nghệ ấn hành

- Tác giả: Giác Minh Luật

- Số trang: 240

- Khổ sách: 13 x 20.5 cm

- Giá bìa: 96.000đ

Công ty Cổ phần Văn hóa sách Sài Gòn

Hà Phương

* Nội dung được Trường Sơn Media thực hiện theo GPKD


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

'Cho nhẹ lòng nhau': Cuộc đời qua góc nhìn của Đại đức Giác Minh Luật

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3