top-banner-2

Thứ bảy, 10/01/2015, 10:05 GMT+7

Hài kịch lên ngôi truyền hình thực tế Việt

Có thể nói trong thời gian gần đây, khán giả đã bắt đầu dành sự quan tâm của mình cho các chương trình truyền hình mang yếu tố hài hước hơn là các cuộc thi âm nhạc quen thuộc đang rơi vào cảnh "xế chiều".

Khán giả Việt đã “ngán” cuộc thi âm nhạc?

Trở lại những năm về trước, khi mà các cuộc thi âm nhạc rầm rộ xuất hiện trên sóng truyền hình như Sao Mai, Sao Mai Điểm Hẹn, Vietnam Idol và sau này là Cặp đôi hoàn hảo, Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn, Gương Mặt Thân Quen… Nếu không tính những cuộc thi âm nhạc truyền thống có tuổi đời lâu năm như Tiếng hát truyền hình thì con số mà các cuộc thi âm nhạc hiện tại không ít hơn hai bàn tay.

th1 

Sau 5 mùa, Vietnam Idol đang loay hoay tìm hướng mới thu hút khán giả

Việc ra đời của các cuộc thi âm nhạc mang tính truyền hình thực tế trong bối cảnh trước đây được xem là khá hợp lý khi nhu cầu của khán giả ngày càng cao. Đặc biệt, những chương trình mang format nước ngoài khi được nhập vào lần đầu tiên luôn mang lại sức hút rất lớn với người xem. Hơn nữa, đó còn là những món ăn tinh thần mới giúp khán giả Việt thay đổi khẩu vị trong các bữa tối cuối tuần.

Qua nhiều năm, tình trạng mọc lên như nấm sau mưa và dẫn đến việc “bội thực” của các cuộc thi âm nhạc đã khiến không ít khán giả ngày càng quay lưng với các chương trình dạng này. Kể cả các cuộc thi nội địa như Tiếng hát truyền hình, Sao Mai Điểm Hẹn… hay những format nước ngoài như Vietnam Idol, Giọng hát Việt vẫn phải đang ‘gồng mình’ để duy trì tuổi thọ.

Trước thực trạng khó khăn này, nhiều nhà sản xuất đã phải đau đầu để suy nghĩ và tìm ra hướng mới cho việc thu hút khán giả. Trong đó, có cả việc nhập các chương trình dành cho thiếu nhi về Việt Nam như The Voice Kids hay Gương mặt thân quen nhí… Thậm chí, không ít chương trình còn chấp nhận chọn giải pháp tạo scandal để gây chú ý.

th2 

Gương mặt thân quen nhí ngay mùa đầu tiên đã không tạo được hiệu ứng như kỳ vọng của khán giả

Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, sự thông minh của khán giả đã có thể nhận ra đâu là chiêu trò của các nhà sản xuất. Những yếu tố giải trí đôi khi đi xa sự quá đà và vượt qua cả format gốc của một chương trình nước ngoài, khiến khán giả Việt ngày càng nhàm chán và quay lưng. Điều này cũng dễ dàng thấy khi thời gian gần đây, các cuộc thi âm nhạc khi ra đời mùa đầu tiên đều rất “nóng” nhưng lại giảm dần yếu tố hấp dẫn ở những mùa sau.

Tận dụng thời thế, hài thực tế lên ngôi?

Trong thời điểm các show truyền hình thực tế về âm nhạc đang rơi vào cảnh ‘xế chiều’ thì một năm trở lại đây, sóng truyền hình Việt lại nổi lên với sự hiện diện của nhiều chương trình hài thực tế. Có thể điểm qua một số cái tên gây ấn tượng trong thời gian qua như: Người bí ẩn, Ơn giời…cậu đây rồi, Cười là thua, Hội ngộ danh hài,…

Đáng chú ý là, chương trình hài thực tế Ơn giời cậu đây rồi đã tạo nên một làn sóng thu hút đông đảo khán giả cả nước như Gặp nhau cuối tuần và Gala Cười một thời đã làm được. Sự mới lạ về format, các tình huống bất ngờ, nghệ sĩ diễn xuất tự nhiên và đặc biệt là yếu tố gây cười sảng khoái… là những điểm cộng lôi kéo khán giả dán mắt vào truyền hình vào mỗi cuối tuần.

 th3

Ơn giời cậu đây rồi đã tạo nên làn sóng mới cho truyền hình thực tế hài năm qua

Lý giải cho việc này, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn đã đưa ra nhận định rằng, đó là xu hướng tất yếu của truyền hình thực tế. Một khi cái gì quá no cộng thêm hết ngon, tất yếu sẽ dẫn đến việc nhàm chán. Đây sẽ là lúc mà các nhà sản xuất thông minh và nắm bắt được nhu cầu của thị trường để đưa ra những chương trình lạ, mang đến khẩu vị mới cho khán giả.

Mặt khác, khán giả truyền hình là những đối tượng đại chúng với đa dạng lứa tuổi và tầng lớp khác nhau. Làm sao để có thể thu hút được số đông trong đó lại là một bài toán của các nhà sản xuất. Trong khi các cuộc thi âm nhạc, có những chương trình chỉ phù hợp cho riêng giới trẻ, hoặc được phân loại thành cuộc thi dành riêng cho người lớn và trẻ em. Điều đó cũng vô tình hạn chế và khoanh vùng lại lượng khán giả của riêng chương trình đó.

Tuy nhiên, với những chương trình hài, đối tượng xem lại có thể mở rộng ra nhiều hơn mà yếu tố làm được điều đó chính là tiếng cười. Nói như danh hài Hoài Linh đã từng chia sẻ, điều mà những nghệ sĩ hài mong muốn đơn giản nhất cũng chỉ là mang đến những tiếng cười sảng khoái và ý nghĩa cho khán giả sau những giờ làm việc căng thẳng.

th4 

Khán giả truyền hình Việt đang lựa chọn tiếng cười hài kịch thay cho âm nhạc?

Điều này cũng được ví như “gãi đúng chỗ ngứa” khi các chương trình hài thực tế có đầu tư, đã đáp ứng đúng nhu cầu giải trí nhẹ nhàng của người xem. Sau một tuần làm việc mệt mỏi, chắc chắn khán giả cũng chỉ mong được những phút thư giãn trước màn hình gia đình hơn là những cuộc thi âm nhạc đang tràn lan quá nhiều trên sóng với lùm xùm những scandal tự tạo.

Nắm bắt được xu thế và soán ngôi một cách ấn tượng trong năm qua, các chương trình hài thực tế vẫn đang tiếp tục nhận được sự yêu mến của khán giả truyền hình. Tuy nhiên, làm sao để không đi vào vết xe đổ của các cuộc thi âm nhạc, để không rơi vào cảnh gây “bội thực” cho khán giả, sẽ là một bài toán cần ở sự nhạy bén và thông minh của các nhà sản xuất trong năm 2015.

Theo Dantri


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hài kịch lên ngôi truyền hình thực tế Việt

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3