Nguyễn Ngọc Tư một lần nữa 'đong tấm lòng' qua từng con chữ |
Không chỉ gửi gắm vui buồn, âu lo về thân phận người nông dân miền Tây, mà còn về bản sắc văn hóa, lịch sử, cội nguồn một vùng đất, tập tản văn mới của Nguyễn Ngọc Tư đang là món quà được nhiều độc giả ngóng đợi. Từ lâu, nỗi buồn là "thương hiệu" đóng dấu qua từng tác phẩm của nữ nhà văn xứ Cà Mau. Đó là cái buồn thấm đẫm số phận của những con người nhỏ bé trong cuộc sống, của những cuộc tình quê, hay cảm thức khắc khoải, long đong trong nhiều phận đời như lục bình trôi của miền Tây sông nước. Ở tập sách mới, Nguyễn Ngọc Tư "đầu tư" nhiều hơn cho nỗi buồn. Đong tấm lòng của chị gồm hơn 30 tản văn. Số chữ trong mỗi bài viết không quá dài nhưng đầy ăm ắp hình ảnh, mùi vị, cảm xúc, gợi hoài niệm có, mà hướng về tương lai cũng có. Có thể tạm xem các tản văn này được viết dựa trên hai mạch cảm hứng; về bức tranh đồng quê miền Tây miệt vườn vừa yên bình vừa chuyển động dữ dội và về những vấn đề mang tính xã hội, bản sắc, đạo lý sống ở đời. Bìa sách "Đong tấm lòng" Nguyễn Ngọc Tư luôn là một cây bút chắc tay khi viết về con người, đời sống sinh hoạt miệt vườn. Chị tận dụng triệt để tâm hồn nhạy cảm vốn có cùng cơ hội được đắm mình trong không gian miền quê để lẩy ra những câu chuyện kể. Cảnh sinh hoạt ấy trong trang viết Nguyễn Ngọc Tư hiện lên vừa yên tĩnh, thanh bình mà cũng vừa dậy sóng, đầy ắp những đổi thay. Trong bức tranh đồng quê có người già, trẻ nhỏ, có những thanh niên trai tráng, có con xóm nhỏ với rặng hoa dâm bụt, những chiếc ghe vất vả ngược xuôi mùa gió chướng, có mùa lụt nước về hay những câu chuyện ma mị dọc đường gió bụi giang hồ của miền Tây xa thẳm. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư không chỉ nói về con người miền Tây sống gần với ruộng vườn, sông nước, với thiên nhiên bằng tâm hồn cởi mở, phóng khoáng, nghĩa khí, hào hiệp. Chị gần gũi với họ đủ để lẩy ra được cả những cái nhìn phản biện về tính cách nông dân. Những đặc tính của thói quen "sống hôm nay chẳng cần biết đến ngày mai", tính "chịu chơi, xả láng" của người nông dân miệt vườn được chị phác lại với giọng văn tưởng như nhẹ nhàng nhưng ẩn trong đấy là một sự rưng rưng thương cảm."... Người đàn bà kéo cá dưới ao lên đãi khách cho chồng, rồi bưng tô cơm nguội ăn với muối tiêu" (bài "người nơi biên giới"). Hay câu chuyện người ta bày đặt đổi vợ đổi chồng cho nhau trong "Miền Tây không có gì lạ", bởi theo chị ở miền Tây, không có chuyện gì là không thể xảy ra. Một bức vẽ minh họa của Nguyễn Ngọc Tư trong "Đong tấm lòng". Nữ nhà văn còn mang đến sự thú vị khi bàn tới những vấn đề mang tính xã hội, những cảm thức vượt khỏi lũy tre - con đê làng. Bàn về cái ác, sự gia tăng bạo hành trong cuộc sống, các bài viết "Gọi tên nỗi sợ", "Giữa người với người" của chị nặng trĩu trăn trở. Chị buồn khi nhận ra hai mặt của mạng xã hội, một thứ vốn "dùng để chia sẻ cũng đi bên lằn ranh chia rẽ" tình cảm con người. Chị nhận ra khi người ta không còn biết hoảng sợ điều gì thì đôi khi cũng đồng nghĩa luân lý, đạo đức xã hội đi đến ranh giới của sự tha hóa. Bài viết "Mùa mặn" của Nguyễn Ngọc Tư là một trăn trở khác về chuyện giữ đất, giữ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống cho mai sau. Vùng đất Mũi Cà Mau, mùa gió chướng với những con nước mặn xâm lấn vào đất liền. Cơn xâm lấn đất hối hả, hung tợn của biển cả có lẽ vẫn chưa đủ mạnh bằng nhịp điệu sống hối hả của con người hôm nay. Người ta sống vì lợi ích trước mắt, tích lũy tiền, vàng để dễ bề di chuyển khi có họa biến xảy ra. Vì bận rộn như thế, nên có lẽ người ta quên mảnh đất họ đang sống là mảnh đất được hình thành nên từ bề dày lịch sử khẩn hoang, từ máu, mồ hôi, nước mắt và xương cốt của cha ông đã tan hòa trong bùn nhão, nhào nặn nên thành đất cho người. Giữ đất, lập đất, xây nhà, lập vườn, đời đời an cư lập nghiệp đáng lẽ là một điều gần gũi với người dân quê, Nhưng trong bối cảnh sống hôm nay, với nhiều người, đó là điều xa vời. Câu chuyện về giữ gìn bản sắc dân tộc của người Khmer giữa những bản sắc chung cũng được nhắc đến ý nhị trong tản văn "Mấy cụm khói rời": "rốt cuộc thì làm gì còn bầu trời nào khác cho con chim đã bị lấy đi bầu trời". Còn trong bài "Nước cũ mơ nguồn", nữ tác giả gửi gắm nhiều tâm sự về bản sắc của từng vùng miền qua những cuộc di cư, dời chuyển vì cuộc sống, vì cơm áo mưu sinh của mỗi con người. Sau cái tên, cái họ, cách phát âm của một con người là cả thân phận của một làng quê, của những con người di cư, khẩn hoang: "cái câu hỏi ta đến từ đâu còn lơ lửng trên những ngả đường miền Tây từ rất lâu. Con cháu của những người miền Trung khẩn hoang giờ nghe giọng Quảng như ngoại ngữ..." Năm 2005, nhà văn Sơn Nam từng chia sẻ: "...Nguyễn Ngọc Tư viết tài. Nhưng muốn sâu và bền hơn thì phải đi nhiều, học nhiều hơn nữa. Văn chương không chỉ là chuyện tình yêu nam nữ đơn thuần. Văn chương phải giúp người ta gợi nhớ, khắc sâu về con người, cuộc sống. Muốn viết văn hay không chỉ có cảm xúc mà còn phải có kiến thức, nhất là sử địa, phải chịu khó học...". Có thể thấy, theo thời gian, trang viết của Nguyễn Ngọc Tư lớn lên như mong đợi của người đi trước. Văn phong ấy vẫn luôn giữ độ mượt mà, gợi nên cảm giác, không khí của cả một vùng đất, vẫn giữ thế mạnh ở miêu tả cảm xúc, cảnh vật, mang đến những chi tiết sống động về đời sống làng quê. Có tản văn đủ tầm vóc của một truyện ngắn như "buổi chợ đầu đời", để lại nhiều dư âm về một miền quê nghèo với nỗi buồn man mác. Đồng thời, chị còn bồi đắp thêm vào trang viết những gì được chiêm nghiệm qua sách vở, qua quan sát, qua trải nghiệm... Vì những lẽ đó, Đong tấm lòng là một cuốn tản văn hay, đáng cho người đọc dành thời gian. Sách in đẹp, còn kèm theo cả những bức vẽ minh họa của chính nữ tác giả. Ấn phẩm in lần đầu 18.000 bản, nhưng các đại lý phát hành đặt mua đứt 15.000 bản Theo VnExpress Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|