Những tản văn suýt bị bỏ quên của Bọ Lập |
“Những tản văn suýt bị bỏ quên của Bọ Lập” là một cuốn sách với lối “khẩu văn” duyên dáng, hóm hỉnh nhưng không kém phần chân thật đặc trưng của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Tác giả Nguyễn Quang Lập (biệt danh Bọ Lập) được giới phê bình chú ý và trở nên nổi tiếng từ Blog Quê Choa với hơn 20 triệu lượt truy cập chỉ sau 1 năm ra mắt. Sau những tác phẩm gây được tiếng vang như “Ký ức vụn”, “Chuyện đời vớ vẩn”...thì “Những tản văn suýt bị bỏ quên của Bọ Lập” là những câu chuyện “vui vui” trong miền ký ức của ông về những nơi, những con người mà tác giả có ấn tượng sâu đậm trong đời. Những miền ký ức này dù là của riêng Bọ Lập nhưng với ngôn từ “tỉnh rụi” khiến cho cuốn sách đặc biệt trở nên gần gũi, thu hút độc giả ở nhiều lứa tuổi. Nói về cuốn tản văn này, tác giả đinh ninh tất cả những tản văn của ông đều đã in thành sách, nhưng “một ngày trời một bạn Facebook gửi cho tôi bản copy Blog Quê Choa cũ, bây giờ mới ngớ ra có vài trăm tản văn lớn nhỏ dài ngắn chưa in vào đâu cả. Tiếc của giời tôi chọn lại một số, thêm thêm bớt bớt, thay tựa đổi câu, để in thành một cuốn, là cuốn này đây. Cũng trong cuốn này xin được gửi kèm một chút phê bình, một chút thôi, để khoe với mọi người ông bọ cũng biết viết phê bình.” Đọc chuỗi những câu chuyện hài hước, khi thì hoài niệm thâm trầm trong “Những tản văn suýt bị bỏ quên của Bọ Lập”, ta có thể thấy ông đã sử dụng những từ ngữ hết sức bình dân như: “chạy ù”, “à nha”, “ủa”, “bó tay”… nhằm bộc lộ sự cảm thán và trào phúng sau mỗi câu chuyện của mình. Chỉ với những dòng tản văn nhẹ tênh mà Bọ Lập đã cho đôc giả nhiều cảm xúc qua từng nhân vật, sự việc trong các mẩu chuyện của ông. Đó có thể là một ông nhà văn rất lãng mạn với “Thương nhớ mưa phùn”: “Chẳng biết có thiên vị không, trước sau tôi vẫn đinh ninh nói đến mưa phùn là người ta nhớ ngay đến Hà Nội.” Mỗi lần nhìn mưa phùn, ông lại nhớ đến mưa phùn tuổi 18, ngày hòa bình đầu tiên, nhớ thời bao cấp tuổi 22 áo đại cán với áo len tím, tuổi 26 áo bay Liên Xô, tuổi 30 áo Nato với áo lông trắng… Hay có lúc là một Bọ Lập rất đau đáu trước những thực trạng của cuộc sống như trong “Virus phi nhân tính”, tác giả bàn về clip “Nữ sinh bị đánh hội đồng”: “Cạnh đó ta thấy một vài người lớn đi qua, không ai dừng chân, mặc kệ lũ trẻ muốn làm gì thì làm. Cái sự dửng dưng kia đã làm cho mọi người quan tâm. Một khi cái ác diễn ra ngang nhiên trước mắt lũ trẻ và được lũ trẻ coi đấy là chuyện bình thường thì mối đe dọa về nhân tính đã lên đến đỉnh điểm.” Các câu chuyện vu vơ mà chúng ta đều có thể bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày qua giọng văn “tưng tửng” của Bọ Lập đều thấm đẫm cái nghĩa cái tình, đôi lúc là châm biếm sâu cay. Đó chính là linh hồn mà ông thổi vào trong từng trang sách của “Những tản văn suýt bị bỏ quên của Bọ Lập” mà bạn đọc không thể tìm thấy ở một tác giả nào khác. Nếu đọc “Những tản văn suýt bị bỏ quên của Bọ Lập” bạn sẽ thấy, không ai sống trên đời mà không trải qua những hỉ, nộ, ái, ố. Nhưng khi ta nhìn cuộc đời bằng lăng kính đầy hài hước nhưng không kém phần sâu sắc như tác giả, những cảm xúc đa dạng ấy chính là “gia vị” giúp cho cuộc đời mỗi người thêm màu sắc. “Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung. Cuối cùng thì lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại đời người. Cuối cùng thì tình yêu không giữ được người mình yêu...” – Nguyễn Quang Lập. THÔNG TIN SÁCH “NHỮNG TẢN VĂN SUÝT BỊ BỎ QUÊN CỦA BỌ LẬP” Tựa sách: Những tản văn suýt bị bỏ quên của Bọ Lập do Saigon Books và Hội Nhà Văn phát hành. Số trang: 200 Kích thước: 13x20.5cm Giá bìa: 98.000đ HP * Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|