Ma dai là một hiện tượng phòng vé của điện ảnh Việt. Tính đến trung tuần tháng 5, sau hơn 2 tuần công chiếu, bộ phim đoạt doanh thu 35 tỷ đồng. Thành công này phải kể đến Đức Thịnh vì ngoài vai nam chính, anh còn đảm nhận vai trò đạo diễn.
Khán giả cũng như giới chuyên môn không khỏi bất ngờ vì Đức Thịnh tạo dấu ấn ngay trong lần đầu làm đạo diễn điện ảnh. Nhưng có lẽ với NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc, thầy của Đức Thịnh tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, thành công này được báo trước. Ngay trong bài thi tốt nghiệp khóa diễn viên 1994-1997, Đức Thịnh thể hiện rất rõ tư duy của người đạo diễn.
Đến với nghệ thuật một cách tình cờ bằng 'xấu lạ, xấu duyên”
Đức Thịnh tạm dừng mảng sân khấu từ năm 2009, chuyển hướng sang đạo diễn phim truyền hình và phim điện ảnh nhưng đề tài khiến anh cảm hứng nhất vẫn là sân khấu. “Tôi không làm không có nghĩa là không nghĩ về nó. Tôi luôn đau đáu một câu hỏi, làm sao để khán giả đến với sân khấu trong thời buổi có quá nhiều chương trình truyền hình hấp dẫn như hiện nay”, Đức Thịnh suy tư.
Tình yêu sân khấu thấm vào cậu út Đỗ Đức Thịnh trong gia đình trung lưu gồm 12 anh chị em từ khi cậu mới học lớp 6. Trong khi các bạn cùng trang lứa thích ca hát, nhảy nhót thì anh say mê các vở kịch truyền hình. Thịnh thuộc nằm lòng các câu thoại của vở diễn Lôi vũ, Điểm hẹn vùng ven, nhớ từng cử chỉ của nhân vật do nghệ sĩ Thanh Hoàng, Hồng Vân, Hồng Đào thể hiện. Anh chị của Đức Thịnh phải thốt lên: “Sao thằng bé lại có sở thích già thế nhỉ”.
Thích vậy thôi chứ với Đức Thịnh thì ánh đèn sân khấu quả là thứ xa vời. Tài lẻ phát tiết trước tiên ở anh không phải diễn xuất mà là chơi đàn. Nhờ chăm chỉ bưng bê đồ nhậu cho bác hàng xóm chơi guitar giỏi mà anh học lóm được và chơi thành thạo.
Tốt nghiệp cấp ba, Đức Thịnh thi vào ngành Kế toán, trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại đúng như mong ước của gia đình. Thế nhưng, cái duyên nghệ thuật giúp đổi hướng con đường nghề nghiệp của anh một cách dễ dàng và tình cờ. Sau một năm học cao đẳng, Đức Thịnh đăng ký thi vào trường Sân khấu Điện ảnh TP. HCM vì muốn ủng hộ tinh thần bạn thân Cao Minh Đạt. Một người đẹp trai, một người biết chơi guitar, lại dạn dĩ nên sẽ bổ sung cho nhau.
Gia đình nghe tin Đức Thịnh đỗ mà người mừng, người lo. Anh hai Đức Thịnh cười bảo: “Xấu này chắc là xấu lạ và xấu duyên nên mới đỗ vào trường điện ảnh”. Ngẫm lại, bên cạnh tài năng, có lẽ Đức Thịnh đã thành công chính nhờ phát huy chất “xấu lạ, xấu duyên” ấy trong bầu trời có quá nhiều ngôi sao.
Tạo hình của Đức Thịnh và Ngân Khánh trong phim Ma dai.
Thi và đậu đều ngẫu hứng, lại có sẵn sở thích với sân khấu và chút tò mò của tuổi trẻ, Đức Thịnh vào học thật. Trở thành bạn cùng khóa với Việt Hương, Tiết Cương, Thúy Nga… Đức Thịnh là mảng màu khác hẳn.
Thầy Trần Minh Ngọc đánh giá cao diễn xuất của anh vì trong diễn xuất có tư duy đạo diễn. Bài tốt nghiệp của Đức Thịnh chỉ dài 5 phút nhưng anh đã chứng tỏ khả năng diễn xuất và tư duy vấn đề sâu. Diễn cảnh anh chàng ngồi đợi bạn gái thì nhiều người sẽ diễn tả sự nóng ruột là đi lại, đứng lên ngồi xuống thấp thỏm nhưng Đức Thịnh thì khác. Anh ngồi im lặng một chỗ, xung quanh có nhiều tàn thuốc lá và điếu thuốc hút dở đang nghi ngút khói trên sàn. Kết quả là Đức Thịnh tốt nghiệp xuất sắc.
Bị cắt vai 8 lần trước khi được lên sóng vì 'không đẹp'
Tấm bằng xuất sắc không phải là chìa khóa mở cánh cửa đến với vai diễn của Đức Thịnh. Không có vẻ ngoài bắt mắt, thậm chí anh tự nhận mình “cực xấu trai” nên con đường sự nghiệp càng lận đận. Trong khi bạn thân Cao Minh Đạt đã tỏa sáng với các vai chính thì anh vẫn chỉ có vài vai lặt vặt như cầm cờ, đánh trống ở hội diễn quần chúng. Để nhận được một vai nhỏ trong vở Vòng tay trên Đài Truyền hình TP HCM, Đức Thịnh trải qua 8 lần bị từ chối, cắt vai. Trước đó, NSƯT – giảng viên Trần Minh Ngọc luôn đưa tên học trò cưng vào danh sách diễn viên và đề thêm những nhận xét tích cực trong các vở thầy đạo diễn nhưng cuối cùng anh vẫn bị cắt vì lý do: “không đẹp và không nổi tiếng”. Lần đầu được đóng kịch truyền hình, Đức Thịnh mừng đến mất ngủ và trước khi đến quay còn hỏi thầy: “Lần này có chắc không bị cắt không thầy?”.
Thời gian Đức Thịnh bật sáng chính là khi anh về sân khấu của NSND Hồng Vân, nhờ lời giới thiệu của Thái Hòa. Đôi bạn gắn bó với nhau từ trường sân khấu và đặc biệt cả hai từng kết hợp ăn ý trong kịch Phòng trọ 3 người giành giải B Liên hoan sân khấu hài toàn thành 1998. Thấy bạn có tài mà cứ lông bông, vất vả, Thái Hòa nói với bà bầu của mình: “Em có thằng bạn diễn được lắm. Chị cho nó về diễn chung cùng em nhé”. Thế là Đức Thịnh thoát khỏi cảnh kiếm cơm bằng các show diễn thông tin lưu động.
Trong 5 năm ở sân khấu Hồng Vân, Đức Thịnh đã tạo dựng được tên tuổi bằng 8 vở kịch ấn tượng như Em là ngôi sao, Cánh đồng gió, Nỏ thần… Ít ai biết, trước khi được toàn quyền dựng vở, chọn diễn viên, Đức Thịnh cũng phải trải qua thời gian đóng vai chỉ có 1–2 phút, thậm chí không có lời thoại.
Vai nặng ký đầu tiên Đức Thịnh đảm nhận là Nhân lì trong kịch Ngõ tình. Nghệ sĩ Hồng Vân vô cùng bất ngờ khi đàn em đưa chị tờ giấy với những gạch đầu dòng ghi lời thoại thêm hoặc chỉnh sửa so với kịch bản, thậm chí thêm cả thoại của bạn diễn để có màn tung hứng nhịp nhàng hơn.
Đức Thịnh ngày càng khẳng định được tài năng trong vai trò đạo diễn.
Đức Thịnh nhớ mãi thái độ ủng hộ của bà bầu: “Trời ơi, chưa có diễn viên nào đầu tư vai diễn mà viết cẩn thận ra giấy như em”. Nhờ thái độ làm việc và tư duy đạo diễn trong từng vai diễn giúp Đức Thịnh ghi dấu ấn trong mỗi lần xuất hiện. Đó cũng là tiền đề để NSND Hồng Vân tin tưởng giao cho anh dàn dựng nhiều vở đinh của sân khấu.
Thêm vào đó, Đức Thịnh xác định muốn làm nghề lâu dài không chỉ cần có khả năng mà còn cần kỹ năng chuyên môn. Vì thế, năm 2003, khi đã được ghi nhận là đạo diễn trẻ tài năng, Đức Thịnh vẫn trở lại trường học đạo diễn. Vở kịch lãng mạn Chuyện tình mùa thu giúp anh một lần nữa tốt nghiệp xuất sắc.
Không ngại đấu tranh bảo vệ "đứa con tinh thần"
Vài lần đến trường quay nơi Đức Thịnh làm đạo diễn như phim Bão mùa hè, Biệt thự mờ sương, tôi luôn bắt gặp không khí làm việc vui vẻ của đoàn phim. Đức Thịnh nhẹ nhàng góp ý khi diễn viên diễn chưa tới, không gay gắt khi diễn viên thông báo đến muộn.
Người mẫu Kim Cương, chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất nhưng sau lần hợp tác với Đức Thịnh tràn đầy hào hứng: “Thay vì chê, anh Đức Thịnh khuyến khích diễn viên là khả năng còn làm được hơn thế. Nhờ đó, tôi giảm hẳn áp lực khi đứng trước ống kính”.
Đem nhận xét này nói với Đức Thịnh, anh cười to, bảo: “Đấy là hiện tại thôi. Trước đây tôi dữ lắm. Bất cứ ai làm ảnh hưởng xấu tới vở diễn của mình, tôi đều không ngại đụng chạm. Khi tức lên, tôi còn có ý nghĩ bóp chết họ ấy chứ”.
Cách đây 10 năm, khi Đức Thịnh dựng kịch Em và ngôi sao, tính nóng nảy của anh khiến đồng nghiệp khiếp sợ. Chẳng hạn, ngồi ở dưới để chỉ đạo diễn viên diễn xuất nhưng có cậu diễn viên trẻ diễn mãi không đúng ý, anh chọi gậy lên sân khấu. May nhờ ly cà phê Thanh Thúy đưa cho uống hạ hỏa chứ nếu không không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Đức Thịnh - Thanh Thúy và con trai Cà Phê
Đến ngày diễn phúc khảo vở thì diễn viên chính ý kiến: “Đổi lịch diễn phúc khảo được không, ngày đó tôi bận rồi?”. Đức Thịnh đáp trả ngay: “Một là đổi lịch phúc khảo hai là đổi diễn viên, bạn nghĩ tôi chọn phương án nào?”. Nhờ sự đấu tranh và bảo vệ tác phẩm đến cùng, Đức Thịnh giành giải Mai Vàng cho vở Em và ngôi sao.
Hợp tác với Đức Thịnh sau này, nhiều người bất ngờ khi chứng kiến sự thay đổi 180 độ của anh. Sự nóng nảy thay bằng sự nhẹ nhàng và chia sẻ. Thậm chí, anh còn khiến bà xã Thanh Thúy bực mình vì gặp chuyện bức xúc mà không lên tiếng, không tỏ thái độ. Thật bất ngờ, lý do thay đổi ấy lại bắt nguồn từ biến cố tình cảm của Đức Thịnh.
Trong năm Đức Thịnh dựng thành công vở Người đàn ông của trời cũng là lúc người yêu anh nói tiếng chia tay. Trong thời gian đó, trong đầu anh chỉ có kịch và kịch. Ngồi với nhau 3 giờ, cô xin anh dành 1 giờ nói chuyện riêng nhưng rút cuộc anh vẫn quay về với kịch. Xem xong vở diễn, cô khóc và nói: “Người yêu của anh là sân khấu chứ không phải em. Bao nhiêu suy nghĩ, lãng mạn anh dành cả cho sân khấu rồi”.
Chia tay người hy sinh 6 năm ủng hộ mình, Đức Thịnh chợt nhận ra, cuộc sống này còn nhiều điều chứ không chỉ có nghệ thuật. Nếu mải miết đắm đuối đến quên mọi thứ thì không thể có hạnh phúc. Quan trọng hơn, anh rút ra bài học: “Hãy đặt mình vào vị trí của người khác trước khi nói và làm”.
Theo thegioivanhoa.com