Nguyên Khang trở thành MC giỏi nhờ nghèo khó & đọc sách |
Nam MC nổi tiếng chia sẻ rằng, anh có thói quen đọc rất nhiều sách để tích lũy kỹ năng mềm cho mình. Nguyên Khang không giấu giếm rằng, ban đầu anh đến với nghề dẫn chương trình là vì thu nhập của nghề này cao hơn với việc đi dạy kèm. Nhưng bằng những trải nghiệm, anh nhận ra rằng, đích đến không phải là tiền bạc mà là thành công. Khi mình thành công rồi thì tự động những thứ khác sẽ đến với mình. MC Nguyên Khang: “Đích đến không phải là tiền bạc mà là thành công” (ảnh nhân vật cung cấp). Đọc sách là cách nhanh nhất để thu nhận kinh nghiệm của người khác và biến nó thành của mình. Những câu chuyện về những nhân vật như Harland Sanders, ông tổ gà rán KFC đi dọc đất nước để tìm kiếm sự hợp tác sau khi phá sản ở độ tuổi lục tuần. Bị từ chối 1.009 lần nhưng ông ấy chưa bao giờ nản chí. Đam mê đã giúp ông tiếp tục dấn bước ngay cả khi thất bại. Câu chuyện này vẫn in sâu trong suy nghĩ của Khang. Đôi khi bạn không cần phải cố gắng đọc hết một quyển sách, chỉ cần bạn áp dụng được một ý nhỏ trong cuốn sách vào thực tiễn công việc và cuộc sống là đủ thay đổi cuộc đời mình rồi. “Đời thay đổi khi ta thay đổi” mà. (cười) Khởi nghiệp từ MC đám cưới Năm 2006, không được giải cao nhất trong cuộc thi tìm kiếm người dẫn chương trình của Đài truyền hình TPHCM (anh chỉ vào top 10), Nguyên Khang đã tìm con đường tắt để chinh phục ước mơ. Khi đó anh mới học năm thứ ba đại học và chưa từng tham gia chương trình nào. Thiếu kinh nghiệm dẫn có lẽ là lý do khiến anh có mở đầu không suôn sẻ. Sau thất bại này, Nguyên Khang nghĩ mình phải bắt đầu từ cái nhỏ nhất. Anh xin dẫn cho các đám cưới, nhưng chỉ chọn đám cưới ở khách sạn sang trọng. Cat-sê là 200.000 đồng. Tuần làm 2 buổi vào các ngày cuối tuần, tính ra cũng được 1,6 triệu đồng/tháng. Với cách tư duy của người làm kỹ thuật, anh sinh viên nghèo khi đó ngẫm thấy, hóa ra làm nghề này cũng “hời” hơn đi dạy thêm, chỉ được 700.000 đồng/tháng, mà phải đi rất xa. Nguyên Khang không giấu giếm mục đích ban đầu của anh đến với nghề là vì thu nhập. Với anh khi đó, việc kiếm tiền để ăn học là mục đích chính, lại không tốn nhiều thời gian, sức lực. “Chẳng hạn, dẫn đám cưới chỉ mất 30 phút, trong khi dạy học phải mất từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng mà thu nhập thấp hơn thì dĩ nhiên tôi phải chọn cái cao hơn rồi”, Nguyên Khang chia sẻ. Nhưng dẫn đám cưới mãi cũng chán, Nguyên Khang nghĩ cách thay đổi. Một lần dẫn ở khác sạn 5 sao, thấy ở đây có cả đám cưới của người nước ngoài, anh ngỏ ý muốn được thử sức, vừa là cơ hội để rèn giũa ngoại ngữ. Cat-sê cho mỗi lần dẫn tiếng Anh là 500.000 đồng, thu nhập của anh cứ thế tăng lên theo từng năm. Khi đã vững tay nghề thì cũng là lúc Nguyên Khang tự hỏi: Chẳng nhẽ mình cứ dẫn ở đám cưới mãi? Anh bắt đầu nghĩ cách “bơi” ra biển rộng: Thi tuyển làm MC ở các chương trình truyền hình. Nam MC The Remix chia sẻ luôn cố gắng nỗ lực và hoàn thiện từng ngày để đem tới phong cách thời trang mới mẻ và phù hợp nhất theo từng chương trình mà anh đảm nhận. Chương trình đầu tiên anh dẫn là với MC Quỳnh Chi trong “Thế giới tuổi teen”. Nhưng môi trường showbiz khác với hình dung ban đầu của anh. Ngoài năng lực cần phải có mối quan hệ. “Có những chương trình muốn được dẫn phải “xin”. Họ gọi tôi đi ăn, ngỡ là đến để bàn công việc, nhưng hóa ra họ gọi mình đến là để trả tiền. Nghĩa là, muốn làm chương trình thì phải tỏ ra “biết điều”, nhưng như thế không hẳn là mình sẽ được nhận. Tôi đã nghĩ, tại sao không phải là họ tìm đến mình mà lại ngược lại như thế này? Và tôi nghĩ mình phải có thương hiệu từ một giải thưởng nào đó”, Nguyên Khang nói. Và nơi để tạo nên dấu ấn của một Nguyên Khang MC chính là ở chương trình XoneFM. Với khả năng ngoại ngữ tốt, cách đọc tròn vành rõ chữ và lối dẫn sôi nổi, Nguyên Khang đã trở thành cái tên được chờ đợi ở chương trình này. Ngoài ra, tại đây, anh được ê kíp của Philippines chỉ dạy rất nhiều ngón nghề, từ cách rèn luyện giọng nói, tạo dựng phong cách... Lúc đầu chưa mấy tự tin, anh chọn nghệ danh là Khải Nguyên. Nhưng với thành công ngoài mong đợi, anh đã lấy tên thật để xây dựng thương hiệu. Năm 2009, Nguyên Khang bắt đầu lấn sân lĩnh vực truyền hình. Anh tham gia chương trình Cầu Vồng của VTV6 và may mắn trở thành Quán quân. Dẫn 2 năm cho VTV6 thì anh được nhà báo Lại Văn Sâm cho thử sức ở chương trình “SV 2012”. Sau đó, MC Anh Tuấn thôi dẫn ở chương trình “Trò chơi âm nhạc”, Nguyên Khang đã được lựa chọn thay thế. Từ đó mở ra cho chàng MC hoạt ngôn này nhiều cơ hội khác ở các gameshow lớn, như Bước nhảy hoàn vũ, X-Factor, The Remix... Hãy thất bại, hãy làm lại! Nguyên Khang chia sẻ rằng, lý do để anh trở thành MC được yêu thích chính là nhờ đọc sách mỗi ngày. Đi đâu anh cũng mang một quyển sách để đọc. Thói quen này được anh học từ những người nước ngoài. Nguyên Khang chia sẻ: “Tôi quan sát khi đi máy bay, người nước ngoài họ đều cầm cuốn sách chứ không cầm điện thoại như người Việt mình. Thực ra, ban đầu tôi cũng là người rất ngại đọc, chỉ hai trang thôi là mắt đã díu lại. Có lần, tôi đọc tiểu sử của Oprah Winfrey nói rằng, ngày nhỏ, cha của bà bắt mỗi ngày phải đọc một cuốn sách và sau đó phải kể lại nội dung cho ông nghe. Nếu không sẽ bị bỏ đói. Cách huấn luyện khắc nghiệt đó đã khiến bà nhớ rất tốt và hiểu sâu sắc về một vấn đề nào đó. Nó cũng chính là “chìa khóa” thành công của nghề MC. Nếu mình nói điều người ta không biết thì mới tạo được ấn tượng, giống như bổ sung kiến thức cho khán giả vậy”. Khang vừa đọc xong 3 cuốn: Nhân tố đột phá của John Maxwell, My point…and I do have one của Ellen Degeneres và cuốn The secrets of good communication của Larry King. Nhưng Khang thích cuốn của Ellen nhất, vì Ellen là thần tượng trong lĩnh vực MC của Khang. Thật ra cuốn sách đó cũng nói chỉ cần có một mục tiêu xác định trong cuộc sống và phấn đấu đến cùng thì thành công chỉ là vấn đề về thời gian mà thôi. Riêng cuốn của Larry King có nói một ý: MC truyền hình nên bắt đầu từ một phát thanh viên radio. Khi ấy bạn sẽ luyện được cho mình phong cách và giọng nói. Khi thính giác của khán giả bù đắp cho phần thị giác, người ta sẽ tập trung nhiều hơn vào câu chuyện mà bạn nói. Và như vậy, bạn sẽ phải cố gắng nói sao cho hay và sâu sắc. Hỏi Nguyên Khang, bây giờ thành công với nghề thì có được gọi là giàu không, anh cho biết: “Ngày xưa tôi có khái niệm thích làm giàu, vì khi mình nghèo thì chỉ mong thoát nghèo và giàu có hơn. Nhưng khi đã sống với nghề này, tôi nhận ra rằng, đích đến không phải là tiền bạc mà là thành công. Khi mình thành công rồi thì tự động những thứ khác sẽ đến với mình”. Để đi đến thành công, Nguyên Khang cũng gặp không ít lần thất bại. Sologan của anh là: Hãy thất bại, hãy làm lại! Có những khi nộp hồ sơ 10 nơi để xin việc thì chỉ nhận được hai nơi, nhưng anh không bỏ cuộc. Anh nói: “Lớp trẻ ngày nay vốn quen được người lớn cầm tay, cha mẹ luôn có suy nghĩ sợ con va vấp, sợ con khổ... Nhưng chính ra phải khổ thì mới thành công. Ngày xưa mẹ tôi cũng vậy, vì thấy tôi nhút nhát nên luôn sợ tôi bị lừa gạt. Có lẽ cũng bị lừa nhiều lần mà tôi “sáng mắt” ra hơn. Nguyên Khang cùng mẹ và em gái Tôi bảo mẹ cứ để con lăn lộn, va vấp, khi vượt qua được thì con sẽ trưởng thành hơn. Thầy tôi cũng dạy rằng, khi đã qua tuổi 30 thì người ta rất ngại thay đổi, cho nên ở tuổi 20 hãy cứ thử nghiệm, khám phá để nếu có thất bại thì còn có cơ hội để làm lại mà không nản chí. Khi thất bại thì hãy im lặng, giữ nó cho riêng mình, còn khi thành công thì hãy hô lớn lên để người ta biết. Đừng than thở vì không ai giúp mình bằng chính mình cả”. Nguyên Khang chia sẻ: “Niềm vui của ba tôi bây giờ là mở ti vi ra và thấy con trai mình trên đó. Mẹ tôi cũng vậy. Trước đây, mẹ nghèo nhất trong dòng họ, nhưng bây giờ mẹ là người "giàu" nhất với 3 đứa con thành đạt. Em gái út đã tốt nghiệp đại học ở Mỹ và giờ đang làm cho tập đoàn khách sạn Marriott, đồng thời làm tổng quản lý cho một nhà hàng Kobe của Nhật tại Mỹ. Em kế, có một gia đình rất hạnh phúc ở TPHCM. Chúng tôi cùng nhau chăm sóc mẹ để bù đắp lại những tháng ngày mẹ đã vất vả nuôi ba anh em ăn học”. Theo giadinh.net.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|