Tranh cãi trong cộng đồng LGBT Việt xung quanh phim 'Xóm trọ 3D' |
Thu được 10 tỉ đồng sau 3 ngày công chiếu, phim 'Xóm trọ 3D' đang gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng LGBT Việt (đồng tính, song tính và chuyển giới) xung quanh việc sử dụng nhiều từ ngữ mang tính kỳ thị như "bê đê", "bóng xanh bóng đỏ"... Chuyển thể từ vở kịch cùng tên Xóm trọ 3D là dự án điện ảnh đầu tay của NSND Hồng Vân và do Hoàng Tuấn Cường làm đạo diễn. Mặc dù không được quảng bá rầm rộ trước đó thế nhưng phim vẫn thu hút được một lượng đông đảo khán giả đến rạp nhờ vào tên tuổi của dàn diễn viên nổi tiếng gồm Minh Nhí, Việt Hương, Huy Khánh, Maya, Anh Vũ, Bằng Cường... Poster phim "Xóm trọ 3D" "3D" là một thuật ngữ do cộng đồng LGBT Việt tự nghĩ ra nhằm thay thế cho từ "bê đê" vốn mang hàm ý tiêu cực do cách phát âm hao hao giống nhau. Xóm trọ 3D kể về một nhóm người LGBT sống chung như một gia đình tại một xóm lao động nghèo. Má Lâm (Minh Nhí đóng) cùng em gái tên Na (Maya đóng) là chủ khu nhà trọ. Họ cưu mang 4 người đồng tính trẻ tuổi nhưng gặp phải nhiều bất hạnh trong cuộc sống là Tú, Lệ, Bảo và Như Ý. Bị kỳ thị bởi xã hội, những con người này buộc phải mưu sinh bằng nhiều nghề thấp cổ bé họng như hát đám ma, trang điểm tử thi, bán đồ tự thiết kế trong chợ tự phát, bán kẹo kéo... Một ngày nọ, cuộc sống bình dị của "xóm trọ 3D" bỗng nhiên bị xáo trộn khi Phong (Huy Khánh đóng) xuất hiện và xin vào ở trọ dù biết rằng "trai thẳng" không hề được hoan nghênh ở đây. Diễn biến của Xóm trọ 3D khá nhanh và gọn. Phim không tập trung khai thác quá nhiều vào những tình tiết bi lụy, đau khổ như các phim LGBT trước đây mà thay thế bằng tiếng cười tình huống. Bên cạnh đó, những nhân vật trong phim dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn giữ được ý chí lạc quan mạnh mẽ nhằm vượt qua số phận. Chính vì thế, họ dễ dàng lấy được sự cảm thông từ phía khán giả. Tuy nhiên, phim cũng đã vấp phải không ít chỉ trích từ chính phía cộng đồng LGBT Việt. Nhiều người cho rằng Xóm trọ 3D đã sử dụng vô tội vạ những thuật ngữ mang tính kỳ thị như "bóng", "bê đê", "ô môi" và kèm theo từ "bị" (ví dụ như "bị bê đê")... khiến cho không ít khán giả là người LGBT cảm thấy bị xúc phạm. Thứ hai, phim đưa ra nhiều quy chụp về người LGBT như "Giới này làm sao có tình yêu?", "Hai người đàn ông sao yêu nhau được?" hay đồng tính nữ là mạnh mẽ, hung tợn (điển hình như nhân vật "Bà nội" do Việt Hương đóng) còn đồng tính nam thì phải ẻo lả, trang điểm đậm cùng nhiều hành động lố lăng. Ngoài ra, thông điệp của phim cũng không hề rõ ràng khi đến sau cùng chỉ có cặp đôi dị tính Phong - Na là tìm được hạnh phúc còn những người LGBT trong "xóm trọ 3D" vẫn phải tiếp tục đi kêu gọi lòng thương hại từ xã hội và sống dựa vào sự giúp đỡ của kẻ khác. Thậm chí, Xóm trọ 3D còn bị nhận xét là phim ngôn tình "đội lốt" phim LGBT. Anh Phan Lê Trung Tín (30 tuổi), một người đồng tính nam hiện làm trong lĩnh vực truyền thông, bức xúc chia sẻ: "Tại sao phim về đồng tính thì phải là trai gọi, đứng đường, là bóng xanh, bóng đỏ đùa giỡn không lo làm ăn nghiêm túc, là mê trai đến chảy nước miếng mà xem nhẹ giá trị cảm xúc của bản thân? Làm phim về người đồng tính như vậy rồi sao kêu gọi sự đồng điệu? Cộng đồng LGBT chỉ khác biệt về xu hướng tính dục và bản dạng giới chứ họ đâu có bị gì mà phải kêu gọi lòng thương hại? Còn muốn thương hại ư? Làm ơn đi, hãy kể một câu chuyện có chiều sâu. Đừng đi vào lối mòn một chàng trai ẻo lả thích son phấn rồi bị bố đánh, rồi bỏ nhà, rồi gia nhập cộng đồng 3D, rồi ăn mặc như điên như khùng rồi giỡn hớt, rồi ghẹo trai, rồi làm ăn đổ bể, rồi bị người ta đánh, rồi chạy về nhà khóc. Làm vậy ai mà cảm thông, đồng cảm? Hãy kể về một thế giới LGBT đầy văn minh và thực tế một chút xíu có được không?". Trong khi đó, Trần An Vi, một người chuyển giới nữ hiện đang sinh sống tại TP. HCM, thì lại có ý kiến hoàn toàn trái ngược. Trần An Vi là một người chuyển giới khá nổi tiếng tại TP. HCM "Theo cảm nhận cá nhân của tôi, những miếng hài của 'Xóm trọ 3D' rất duyên rất đời thường theo đúng cái cách mà chị em 3D hay nói chuyện với nhau. Còn việc sử dụng những ngôn từ mang tính kỳ thị như 'bê đê' hay 'bóng gió' và khắc họa cuộc sống nhân vật LGBT quá bi lụy, tôi không hề cảm thấy khó chịu bởi vì thực tế hiện nay là vậy. Rất nhiều người LGBT mà đặc biệt là chuyển giới như tôi vẫn gặp khó khăn trăm bề khi ra đường kiếm sống. Thành thật mà nói, tôi đã trải qua hầu hết những gì mà các nhân vật trong phim gặp phải. Còn nữa, tôi từng sống trong một ngôi nhà chung cùng nhiều bạn bè chuyển giới do một người chị lớn đứng ra quán xuyến. Nó giống y như xóm trọ của 'má Lâm'. Bóng gió đi làm hay bị khi dễ, bị kỳ thị cho nên chị em phải dựa dẫm vào nhau mà sống. Người đồng tính thì tôi không rõ nhưng nói người chuyển giới không có tình yêu thật lòng thì tôi nghĩ cũng không hoàn toàn sai. Chúng tôi khi yêu chỉ toàn bị lợi dụng, cố gắng kiếm tiền để giữ tình yêu của mình, không có thì mua. Nhưng khi hết tiền hết nhan sắc thì bị bỏ rơi. Đó là sư thật", cô nói. "Xóm trọ 3D" là phim điện ảnh đầu tiên do NSND Hồng Vân đảm nhận vai trò nhà sản xuất Hiện nay trên các fan-page và diễn đàn của người LGBT, Xóm trọ 3D đang là chủ đề bàn luận khá sôi nổi. Nhiều người khen nhưng cũng lắm kẻ chê. Riêng về mặt thương mại, phim đã thu về 10 tỉ đồng với 170,000 vé bán ra chỉ sau 3 ngày công chiếu. Đây là một thành tích không hề tệ do phim còn phải cạnh tranh trực tiếp với nhiều bom tấn Hollywood khác như Despicable Me 3 và Baby Driver. Chia sẻ với truyền thông, NSND Hồng Vân cho biết: "Tôi hi vọng bộ phim có khả năng thu hồi vốn và may mắn sẽ thu lãi để có kinh phí thực hiện các dự án khác. Hiện nay, tôi chưa có kế hoạch cụ thể vì tâm trí dồn hết vào phim này. Tôi rất mong khán giả khắp nơi có thể xem phim và đón nhận thông điệp chúng tôi muốn truyền tả. Bao nhiêu năm làm sân khấu ít nhiều tôi cũng tạo được chút uy tín cho mình. Lần đầu làm phim, tôi cũng tự đề cho mình quy tắc không thể cẩu thả hay hời hợt được. Mọi thứ phải được chỉn chu". Theo motthegioi.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|