top-banner-2

Thứ bảy, 20/04/2013, 12:23 GMT+7

Đặng Lê Nguyên Vũ: Tôi và anh em đang tập trung cao độ

G7 Mart là nỗi niềm lớn của tôi. Trước khi đưa ra ý tưởng để thực hiện, tôi xem đây là biên giới quốc gia, nếu chúng ta không nắm cái này thì sắp tới nước ngoài sẽ vào và quyết định hết tất cả. Và tôi sẽ làm theo cách của tôi, tập hợp lực lượng để tạo nên nó.

alt

Vấn đề chính ở chỗ đó chứ không phải chuyện tôi lao vào kinh doanh kiếm tiền ở mô hình này", ông Vũ từng chia sẻ như vậy trong một bài phỏng vấn trên báo Doanh Nhân Sài Gòn. Năm 2006, thị trường bán lẻ trong nước được khuấy động bởi sự kiện Trung Nguyên công bố dự án vô cùng tham vọng: xây dựng và triển khai cùng lúc hệ thống 500 cửa hàng tiện lợi trên cả nước, đặt tên là G7 Mart. Chỉ sau đó một thời gian, hệ thống này bị ngừng lại. Có nhiều nguyên nhân: chưa nghiên cứu kỹ thói quen tiêu dùng của người dân là thích chợ hơn, mở rộng quá nhanh chuỗi, nguồn vốn thiếu…

Ông Vũ lý giải với Doanh Nhân: "Hồi đó Trung Nguyên có cả một hệ thống ra quyết sách cho hệ thống G7 Mart, nhưng không thành công. Các anh em (ý nói đội ngũ quản lý giỏi của G7 Mart được thuê về - PV) hình như không có động cơ, động lực giống mình vì mang tính riêng tư và ngắn hạn nhiều hơn. Đó là điều khiến tôi buồn".

Tuy nhiên, ông Vũ không phải mẫu người dễ đầu hàng. Giống như hồi còn là sinh viên y khoa nghèo, dò dẫm mở lò rang cà phê và bị thất bại nhiều lần, nhưng ông Vũ không bao giờ buông xuôi. Ý chí đó khiến ông quyết tâm làm lại với G7 Mart qua một liên doanh với Công ty bán lẻ Ministop, thuộc Tập đoàn Aeon của Nhật Bản (có doanh thu 100 tỷ USD/năm) vào tháng 5/2011, với tỷ lệ góp vốn 75%-25% nghiêng về G7 Mart. Lần này, người ta lại nghe ông tuyên bố sẽ mở tối thiểu 100 cửa hàng trong năm đầu, sau đó tăng lên 500 cửa hàng nữa.

Tháng 3/2013, trò chuyện cùng Doanh Nhân, Đặng Lê Nguyên Vũ thừa nhận mô hình này thất bại và ông sẽ quay lại cà phê - lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mà Trung Nguyên đang chiếm hơn 80% thị phần cà phê rang xay, đứng đầu thị trường Việt Nam. "Hồi đó chúng tôi làm là để nhận thức, còn bây giờ thấy tiếc quá vì nhìn thấy cơ hội rồi, nhưng không làm được. Tôi rất buồn. Giờ thì biết làm sao, tôi phải tập trung vào cà phê và nếu biết làm tốt thì mỗi năm ngành này mang lại tổng doanh thu 20 tỷ USD cho đất nước. Tôi và anh em đang tập trung cao độ cho mục tiêu này", ông Vũ nói.

Tuổi: 42

Lý lịch nghề nghiệp: năm 1990 thi đậu Đại học Y khoa Tây Nguyên, vừa trọ học tại Buôn MA Thuột vừa làm thêm kiếm tiền. Từng bỏ ngang đại học vào TP.HCM tìm cơ hội làm giàu, sau đó quay lại giảng đường. Cùng vài người bạn mở lò rang cà phê, mày mò rang xay, đóng gói, đi bỏ mối cho các quán cà phê. Năm 1996, sáng lập Trung Nguyên tại Buôn MA Thuột với quy mô rất nhỏ. Hai năm sau, ngày 20/8/1998, Đặng Lê Nguyên Vũ và các bạn mở quán cà phê đầu tiên tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, phục vụ miễn phí cà phê trong 10 ngày.

Trung Nguyên ngày nay: Hệ thống chuỗi quán cà phê Trung Nguyên có số lượng 60 cửa hàng cao cấp (55 quán trong nước và 5 quán franchise tại Singapore). Ngoài ra còn hàng chục ngàn quán cà phê bán sản phẩm của Trung Nguyên trên khắp đất nước. Kết quả một cuộc khảo sát độc lập của công ty BP Nikkei tại Nhật Bản tháng 4/2012 cho biết, thương hiệu Trung Nguyên Coffee Franchise là thương hiệu số 1 trong lĩnh vực chuỗi quán tại Việt Nam. Tổng doanh thu Trung Nguyên năm 2012 đạt khoảng 200 triệu USD.

 Theo dddn.com.vn

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đặng Lê Nguyên Vũ: Tôi và anh em đang tập trung cao độ

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3