Hà Nội đắt đỏ nhất nước: 30 triệu đồng một tháng vẫn thấy...thiếu |
Mức chi tiêu vừa đủ trong một tháng của gia đình 4 người ở Hà Nội lên đến 30 triệu đồng. Khảo sát nhiều hộ gia đình có 4 người ở 3 thành phố lớn nhất nước có thể thấy, mức chi tiêu vừa đủ trong một tháng ở Hà Nội lên đến 30 triệu đồng, trong khi ở TP.HCM khoảng 25 triệu đồng và tại Đà Nẵng khoảng 20 triệu đồng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 tại Hà Nội tiếp tục cao nhất cả nước, sau nhiều năm ở vị trí này. Chị Minh Hồng (quê Phú Thọ) hiện sống ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cùng chồng và hai con học cấp 2, cấp 3. Chia sẻ về mức chi tiêu cho gia đình mìnhh mỗi tháng, chị cho biết, thời điểm chưa thể mua nhà và phải ở trọ, chị đã liên tục chuyển chỗ ở để điều chỉnh cho phù hợp thu nhập vì chi phí quá tốn kém. Dù thu nhập của vợ chồng chị không quá thấp, khoảng 40 triệu đồng/tháng nhưng nếu không căn cơ, tính toán thì không thể có dự trữ.
“Thời gian đầu, gia đình tôi thuê nhà trong nội thành để tiện đi lại. Tính cả tiền thuê nhà tầm 7 triệu đồng/tháng, chúng tôi mất khoảng 35 triệu đồng. Sau đó, nhận thấy chi phí sinh hoạt và tiền thuê nhà ở đây cao hơn khu vực ven đô, gia đình tôi chuyển về vùng ngoại thành để tiết kiệm tài chính. Từ đó, mỗi tháng chúng tôi giảm được khoảng 5 - 7 triệu. Bây giờ, nhờ sự hỗ trợ của gia đình và vay ngân hàng, chúng tôi đã mua được nhà nên không mất tiền thuê nhà nữa. Nhưng tiền trả lãi ngân hàng và do vật giá leo thang, con cái càng lớn càng tốn kém cho chi phí học hành cũng như nhu cầu cá nhân nên mỗi tháng, dù tìm mọi cách thắt chặt chi tiêu và tiết kiệm tối đa, chúng tôi vẫn tiêu tốn hết khoảng 32 triệu đồng”, chị nói. Nguồn: Tổng cục Thống kê Chị Hồng khẳng định, đây chỉ là mức chi cho những nhu cầu rất cơ bản. Mỗi ngày, chị chi khoảng 250.000 - 300.000 đồng cho ăn uống, như vậy mỗi tháng mất khoảng 9 triệu đồng. Tiền điện nước khoảng 1,5 triệu đồng. Tiền xăng xe, điện thoại, Internet của cả hai vợ chồng và hai con ít nhất cũng thêm khoảng 2 triệu đồng. Ngoài ra, chi phí cho hai con đi học bao gồm học phí ở trường công, học thêm các bộ môn năng khiếu và ngoại ngữ khoảng 10 triệu đồng. Hai vợ chồng còn phải dành khoảng 7 triệu đồng để trả tiền vay ngân hàng và khoảng 2,5 triệu đồng phòng cho những chi phí phát sinh hoặc những nhu cầu khác như may mặc, ngoại giao... Với kinh nghiệm 20 năm sống ở Hà Nội, chị Hồng khẳng định: “Với 30 triệu đồng để chi cho cuộc sống hằng tháng ở Hà Nội, đừng mơ đi du lịch hay ăn ngon thường xuyên”. Nếu muốn cải thiện những bữa ăn ngon giá tiền triệu hoặc đưa cả gia đình ra nhà hàng ăn uống để thay đổi không khí, chị Hồng sẽ phải tính toán rất chi li, lấy bữa nọ bù bữa kia để khoản chi trong tháng không bị vượt trội. Còn nếu muốn cho con đi picnic trong ngày hoặc xa xỉ hơn là du lịch dịp nghỉ hè thì chị Hồng còn phải lên kế hoạch ngay từ đầu năm, xem có thể “co” bớt khoản chi nào và tích lũy mỗi tháng để đủ tiền cho nhu cầu này. “Một buổi picnic, dã ngoại nghe có vẻ đơn giản, dễ thực hiện nhưng cũng nhanh chóng ngốn vài triệu đồng với chi phí di chuyển, ăn uống cho 4 người và những khoản phát sinh trên đường. Còn với cả chuyến du lịch hè thì một năm chúng tôi chỉ dám lên kế hoạch đi 1 lần và cân nhắc rất kỹ để làm sao tiết kiệm được nhiều nhất. Chi phí đi du lịch xa vài ngày ít thì chục triệu đồng, nhiều thì lên tới vài chục triệu, bằng cả tháng thu nhập của hai vợ chồng. Muốn tổ chức đi được thì mỗi tháng trước đó, chúng tôi phải xoay xở để vừa đủ chi tiêu, vừa có khoản dư thừa nhằm góp lại cho chuyến đi”, chị Hồng bộc bạch. Theo chị Hồng, chi tiêu ở Hà Nội đang đắt hơn rất nhiều so với ở quê nhà chị là Phú Thọ. Chị cho biết, vợ chồng em gái chị cũng có 2 người con nhưng mức chi hằng tháng chỉ khoảng 20 triệu đồng. “Ở Phú Thọ, người dân không phải chi quá nhiều cho việc di chuyển do đường sá gần, thông thoáng, thuận lợi. Giá rau xanh, thực phẩm cũng thấp hơn rất nhiều, chưa kể việc học hành cũng rẻ hơn. Tuy nhiên, phải thừa nhận là mức thu nhập ở Phú Thọ không thể cao như ở Hà Nội. Người lao động cũng khó có việc làm tốt hơn. Chính vì thế, nhiều người vẫn muốn sống ở Hà Nội, chấp nhận chi tiêu đắt đỏ”, chị Hồng nói. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, mức chi tiêu cho đời sống chiếm gần 94% trong tổng chi tiêu bình quân của hộ gia đình. Trong đó, chi tiêu cho ăn uống chiếm 46,5%; chi tiêu không dành cho ăn uống chiếm 47,4% và các chi tiêu khác chiếm 6,1%. Trên thực tế, với các gia đình ở Hà Nội, xu hướng này cũng không quá khác biệt. Thứ tự ưu tiên trong list các khoản chi tiêu bao gồm: cao nhất là nhu cầu thiết yếu (ăn uống, sinh hoạt, đời sống, đi lại…), tiếp đến là tiền thuê nhà (với những gia đình trẻ Hà Nội phải ở trọ), sau nữa là chi phí học tập và phát triển quan hệ giao tiếp. Ngoài ra là các chi phí phát sinh khác như giải trí, du lịch… Trong số này, thông thường chi phí sinh hoạt thiết yếu và thuê nhà chiếm khoảng 60% thu nhập. Nhiều bà nội trợ cho biết, bữa ăn bây giờ quá đắt. Cầm 300.000 đồng đi chợ là phải tính nát óc để sao cho vừa đủ ba bữa ăn gồm hai bữa chính và một bữa phụ, lại vừa đảm bảo các dưỡng chất cần thiết trong một ngày.
“Món nào cũng đắt đỏ hơn trước rất nhiều và chỉ có tăng mà không có giảm. Ví dụ, giá cua hiện lên tới 180.000 đồng/kg, thịt bò hiện giá 250.000 đồng/kg, còn thịt heo loại ngon cũng phải 170.000 đồng/kg. Chưa kể có nhiều thời điểm giá một số mặt hàng còn cao đột biến hơn nữa. Trước kia, mệnh giá rẻ nhất là 500 đồng cũng có thể mua được mớ rau thơm thì giờ đã tăng lên đến 2.000 - 3.000 đồng. Cầm tiền đi chợ mà như cầm cục đá trong tay, chỉ một lúc là tan. Tôi rất đau đầu mỗi khi đi chợ do áp lực phải tính toán làm sao để không bị lạm vào tiền tiêu hằng tháng, nếu không sẽ khó xoay xở, bù đắp", chị Hoài Thu, dân công sở nói. Theo chị Thu, tiền đi chợ “ngốn” một khoản chi tiêu khá "khủng", lên đến 9 - 12 triệu đồng/tháng. Chị Thu đang đau đầu nghĩ cách tiết kiệm chi phí cho khoản tiền này, làm sao rút xuống còn 5 - 7 triệu đồng/tháng nhưng vẫn chưa biết “cắt bằng cách nào”. “Đây đã là mức chi cơ bản. Nếu tiếp tục giảm bớt đồng nghĩa với việc giảm chất lượng bữa ăn, ví dụ như lặp đi lặp lại một món. Tôi lo nếu như thế thì không kích thích được chồng, con ăn ngon miệng, từ đó sức khỏe khó đảm bảo”, chị nói. Ở Hà Nội, không chỉ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đắt nhất cả nước mà nhóm dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch cũng dẫn đầu.
Anh Ngọc Quý (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, lúc còn độc thân, anh có sở thích đi xem phim nhiều lần trong tuần và không đắn đo chi tiền. Nhưng từ khi lập gia đình, rồi có con nhỏ, phát sinh vô vàn chi phí khác thì anh Quý không thể thực hiện sở thích này nữa do quá tốn kém. “Hiện tại, riêng tiền vé xem phim ở rạp thấp thì cũng khoảng 90.000 - 100.000 đồng/vé, còn cao hơn thì lên đến vài trăm nghìn đồng, chưa kể các khoản khác như tiền di chuyển, tiền nước, bỏng ngô…Số tiền này bằng cả ngày ăn của gia đình nên thỉnh thoảng lắm tôi mới cho phép mình được xa xỉ một bữa”, anh Quý nói. Cũng theo anh Quý, giá quần áo ở Hà Nội rất đắt, đắt hơn nhiều so với các nơi khác. “Vài năm trước, mua một chiếc quần có thể chỉ mất 200.000 - 300.000 đồng. Nhưng bây giờ, không có cái nào dưới 500.000 đồng/chiếc. Còn giày thì toàn bạc triệu. Qua kinh nghiệm bản thân và tham khảo qua bạn bè, tôi nhận thấy mức giá này cao hơn so với giá ở một số địa phương lân cận khác như Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…từ 100.000 - 200.000 đồng/sản phẩm", anh Quý chia sẻ. Theo chỉ số SCOLI năm 2023, TP.HCM là thành phố đắt đỏ thứ 2 trong cả nước (98,4% so với Hà Nội) và Đà Nẵng đứng ở vị trí thứ 6 (93,5% so với Hà Nội).
Trên thực tế, nhiều gia đình trẻ có 3 thành viên ở TP.HCM cho biết, dù tiết kiệm nhất có thể nhưng không tháng nào mức chi dưới 20 triệu đồng. Còn với những gia đình có 4 thành viên, có thu nhập ổn hơn thì mức chi hàng tháng cũng không dưới 25 triệu đồng. Nhà chị Thảo (ở Gò Vấp, TP.HCM) có 4 người gồm vợ chồng và 2 con đang học cấp 2. Gia đình chị hiện ở nhà thuê với giá 6,5 triệu đồng/tháng. Các khoản phải trả định kỳ mỗi tháng sau tiền nhà là điện nước khoảng 2,5 triệu đồng; xăng xe, Internet, điện thoại cũng mất 2 triệu đồng; chi phí bán trú cho cả 2 con ở trường là 3 triệu đồng nhờ TP.HCM đã miễn học phí cho học sinh THCS, thêm 4 triệu đồng cho 2 đứa học thêm các môn. Cả nhà chị cũng không dám ăn ngoài thoải mái mà đều đặn nấu cơm cho tiết kiệm nhưng chỉ tiền đi chợ thôi mỗi ngày rẻ nhất cũng mất 300.000 đồng. “Tính sơ những khoản cơ bản nhất đã ngốn khoảng 25 triệu đồng/tháng, dù tôi tính toán rất kỹ để tiết kiệm tối đa”, chị nói. Có những ngày về muộn không nấu cơm kịp thì chị Thảo sẽ mua cơm hộp, nhưng 4 hộp cơm cũng mất khoảng 200.000 đồng. Con chị không có khái niệm ra nhà hàng hay ăn những món “cao cấp” hơn trong những ngày cúp điện, ngày ba mẹ bận về trễ như lẩu, buffet, sushi, pizza...Vì nếu chi cho những món ăn này thì cũng phải mất tiền triệu. Cũng bởi vậy, thật hiếm hoi cả nhà mới dám cùng nhau đi cà phê, ăn sáng cuối tuần, bởi những cuộc sum họp như thế này luôn tiêu tốn ít nhất 300.000 - 400.000 đồng. “Nhà tôi tiêu cho những thứ cơ bản nhất đã phải rất tiết kiệm. Thu nhập của 2 vợ chồng chỉ loanh quanh mức 30 triệu đồng, không đổi 4 năm nay. Chỉ cần phát sinh việc con bị ốm hay đồ đạc trong nhà hỏng hóc cần thay thế cũng đủ khiến chúng tôi đau đầu. Do vậy, tháng nào tôi cũng cố hết sức tiết kiệm một vài triệu để phòng trừ những tình huống này”, chị Thảo trầm ngâm tính. Theo chị Thảo, để chi tiêu thoải mái cho những nhu cầu cơ bản hiện nay mà vẫn có thể tích trữ một khoản riêng để thỉnh thoảng đi du lịch hay “nâng tầm” cuộc sống với những bữa ăn tốn kém hơn, những dịch vụ giải trí xa xỉ hơn thì mức chi không thể dưới 50 triệu đồng/tháng cho gia đình với 4 thành viên. Còn tại Đà Nẵng - thành phố tương đối “dễ thở” hơn so với Hà Nội và TP.HCM, các khoản chi tiêu hằng ngày, hằng tháng vẫn khiến nhiều hộ gia đình phải vò đầu, bứt tai tính toán sao cho hợp lý. Anh Trọng Huy (trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chia sẻ: “Nhà có 4 người, gồm vợ chồng và 2 con nhỏ học tiểu học, mỗi tháng vợ chồng tôi phải chi tiêu khoảng 20 triệu đồng cho những nhu cầu cơ bản”. Với gia đình anh Huy, khoản chi tiêu lớn nhất là tiền ăn uống, chiếm gần một nửa, với khoảng 8-9 triệu đồng. Tiếp đến là tiền học của 2 con, cả bán trú và học thêm với mức 5 triệu đồng. Tiền xăng xe cũng chiếm khoảng 2 triệu đồng, tiền điện nước, Internet 1,2 triệu đồng và tiền thuê nhà 3 triệu đồng. Với những khoản phát sinh khác như mua quần áo, đi đám hiếu hỷ, ngoại giao, hưởng thụ dịch vụ giải trí, anh Huy dành riêng 5 triệu đồng để chi tiêu. "Như vậy hằng tháng, vợ chồng tôi phải cắt 25 triệu đồng từ thu nhập để chi cho các khoản. Có những tháng không dùng hết những khoản chi “mềm” thì chúng tôi lại tích được một khoản nhỏ. Nhưng những tháng như vậy không nhiều. Mặc dù vậy, tôi khá hài lòng với cuộc sống ở Đà Nẵng vì tôi biết, với mức chi như trên mà sống ở Hà Nội và TP.HCM thì sẽ rất khó xoay xở", anh nói. Đặc biệt, anh Huy nhận xét, riêng chi phí cho du lịch ở Đà Nẵng rất hợp lý, rẻ hơn rất nhiều Hà Nội và TP.HCM. Nguyên nhân là thành phố biển này sở hữu rất nhiều điểm du lịch, khiến người dân không phải dịch chuyển quá xa để đến nơi nghỉ dưỡng. Ngoài ra, với vị trí địa lý thuận lợi nên người dân Đà Nẵng đi du lịch miền Bắc hay miền Nam đều thuận tiện. Chị Nguyễn Thị Thúy (42 tuổi, trú phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cũng chia sẻ: “Nói mức chi tiêu tối thiểu cho một hộ gia đình hết 20 triệu đồng mỗi tháng thì thấy nhiều nhưng nếu liệt kê ra thì mức đó chỉ vừa đủ chứ không thể thoải mái. Giá cả bây giờ cái gì cũng tăng, từ xăng, điện, gas cho đến gạo, mắm muối, rau, thịt cá. Tính chi ly sẽ thấy một ngày ăn của 2 vợ chồng với con nhỏ gồm 4 món cơ bản là cơm, canh, đĩa xào và món mặn (thịt hoặc cá) cũng phải từ 200.000 - 250.000 đồng mới đủ”. (Nguồn: Vtc.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|