‘Mua hộ vàng tiềm ẩn rủi ro, vi phạm pháp luật về đầu cơ, làm giá’ |
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho rằng việc tập trung mua vàng dễ xảy ra trộm cướp, đặc biệt mua hộ vàng gây mất trật tự là không cần thiết, vi phạm pháp luật. Từ ngày 3/6, thời điểm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cùng SJC thực hiện bán vàng theo quy định của NHNN, có hiện tượng người dân tại TP.HCM tụ tập, xếp hàng rất đông tại các điểm bán để mua vàng miếng. Cảnh xếp hàng chờ mua vàng đông nghẹt từ sáng đến tối ở trụ sở trung tâm SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP.HCM. (Ảnh: H. Linh) Trả lời báo chí bên lề hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM sáng nay, 14/6, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, khuyến cáo, vàng với tính chất là tài sản tài chính biến động, gắn liền với nhiều yếu tố của thị trường, người dân cần cân nhắc và thận trọng trong việc mua vàng, đầu tư vàng để tránh rủi ro do giá vàng biến động. Đồng thời, người dân, doanh nghiệp cần hiểu, thực hiện đúng quy định về kinh doanh mua bán vàng miếng, thực hiện tốt các biện pháp ổn định thị trường vàng, hạn chế rủi ro và ngăn ngừa vi phạm pháp luật. “Việc tập trung đông người, xếp hàng mua vàng dễ xảy ra trộm cướp. Đặc biệt mua hộ vàng gây mất trật tự là không cần thiết, tiềm ẩn rủi ro và vi phạm pháp luật về đầu cơ, làm giá và ảnh hưởng đến lợi ích nền kinh tế”, ông Lệnh nói. Giải pháp để giảm tình trạng người dân chen nhau xếp hàng mua vàng, trong đó có tình trạng xếp hàng mua hộ vàng, ông Lệnh cho rằng cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng mua gom đầu cơ. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp một cách linh hoạt để quản lý thị trường vàng, nhằm ổn định thị trường này, để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khách xếp hàng chờ mua vàng từ đêm khuya đến sáng tại SJC TP.HCM. (Ảnh: H. Linh) Thông tin từ ông Nguyễn Đức Lệnh, tại TP.HCM đang có khoảng dưới 10 doanh nghiệp đầu mối được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24. Các doanh nghiệp này còn có các chi nhánh, cửa hàng nhỏ bên dưới kinh doanh. Người dân chỉ được thực hiện mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ không được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng, nếu thực hiện việc mua bán vàng miếng với cá nhân, tổ chức là trái quy định. Riêng doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ; kinh doanh mua bán vàng các loại buộc phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về giấy phép hoạt động; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng và phương án kinh doanh an toàn; giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng; hóa đơn chứng từ; tem mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; chất lượng sản phẩm và công khai niêm yết giá. Hoạt động này là đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và công khai minh bạch, phòng ngừa, hạn chế rủi ro do sai phạm, do liên quan tội phạm làm hàng nhái, hàng giả, buôn lậu và trốn thuế. “Mua bán vàng cũng là tài sản tài chính, tài sản đầu tư, người dân cần ý thức, thận trọng trong việc kinh doanh của mình, mua bán sao cho hợp lý, để tài sản sinh lời và việc mua bán phải đảm bảo an ninh trật tự, cũng như phát huy hiệu quả các giải pháp của NHNN. Việc mua bán vàng cần tuân thủ Nghị định 24, trong đó có tuân thủ nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ... Yêu cầu với việc sản xuất kinh doanh, mua bán vàng là phải công khai minh bạch”, ông Lệnh khẳng định. Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM, cơ quan quản lý đã và đang thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường vàng, kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Các biện pháp này bước đầu đã phát huy hiệu quả. Hiện giá vàng trong nước giảm mạnh về dưới 77 triệu đồng/lượng và tiệm cận dần với giá vàng thế giới. Đây là kết quả quan trọng, không chỉ tạo điều kiện cho thị trường vàng ổn định mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế. (nguồn: vtcnews.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|