Giấc ngủ có thể ảnh hưởng huyết áp của trẻ như thế nào? |
Thói quen không tốt về giấc ngủ sẽ ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe của trẻ. Một nghiên cứu mới đã tiết lộ chỉ số huyết áp là một trong những khía cạnh đó. Các thói quen về giấc ngủ có thể liên quan đến huyết áp ở trẻ em - Ảnh: Verywell Family Một báo cáo được công bố trên tạp chí Nhi Khoa cho biết đi ngủ sớm hơn và ngủ lâu hơn có liên quan đến việc giảm huyết áp ở trẻ em. Tăng huyết áp hoặc giảm huyết áp trong lúc ngủ Theo Foxnews, các nhà nghiên cứu đã phân tích 539 bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 14,6 tuổi, ngủ trung bình 9,1 giờ mỗi đêm. Những trẻ đi ngủ muộn hơn được phát hiện có chỉ số huyết áp tệ hơn trong ngày, trong khi những đứa trẻ được ngủ trong thời gian dài hơn có huyết áp thấp hơn. Kết quả nhất quán bất kể tuổi tác, giới tính, chỉ số BMI và số ngày trong tuần. Tiến sĩ Amy Kogon, tác giả chính của nghiên cứu và trợ lý giáo sư tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, nói với Fox News Digital: "Kết luận được rút ra là chứng tăng huyết áp vô căn ở trẻ em, giống như ở người lớn, là do lối sống góp phần". "Là bác sĩ, chúng tôi thường khuyên bệnh nhân cải thiện chế độ ăn uống và hoạt động thể chất để cải thiện huyết áp, nhưng nghiên cứu này cho thấy giấc ngủ có thể là một khía cạnh cần được xem xét", cô nói. Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi khám phá ra rằng thời gian ngủ dài hơn có liên quan đến hiện tượng "trũng huyết áp về đêm", tức là huyết áp giảm trong lúc ngủ. Kogon cho biết: "Việc một bệnh nhân không có biểu hiện giảm huyết áp về đêm trong nghiên cứu huyết áp lưu động được coi là bất thường". "Chúng tôi dự đoán rằng giấc ngủ ngắn hơn sẽ liên quan đến tình trạng trũng huyết áp về đêm, nhưng cuối cùng lại phát hiện ra rằng thời gian ngủ dài hơn mới liên quan đến tình trạng này", cô nói thêm. Hiện tượng này chủ yếu được thấy ở những bệnh nhân báo cáo thời gian ngủ quá nhiều, nhà nghiên cứu lưu ý. Kogon thừa nhận nghiên cứu có một số hạn chế. Ngoài việc đây là một đánh giá hồi cứu về dữ liệu, nhóm chỉ nắm bắt thời lượng giấc ngủ bằng cách tự báo cáo với dữ liệu chỉ trong vòng 24 giờ, và cho rằng con số này đại diện cho thời gian ngủ của bệnh nhân nói chung. Nghiên cứu cũng không thu thập dữ liệu về chất lượng giấc ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ. Làm thế nào trẻ có thể cải thiện giấc ngủ? Michael Gradisar, người đứng đầu khoa học về giấc ngủ tại Sleep Cycle và là nhà tâm lý học lâm sàng có trụ sở tại Adelaide (Úc), cho biết trở ngại lớn nhất đối với giấc ngủ của trẻ có thể không phải là điều mọi người nghĩ. Ông nói: "Bằng chứng khoa học không cho thấy màn hình thiết bị điện tử là trở ngại chính khiến người trẻ có được giấc ngủ ngon. Trở ngại thực sự là đồng hồ sinh học của trẻ. Vì đồng hồ sinh học của trẻ bị trễ nên trẻ có xu hướng ngủ muộn và thức dậy muộn. Các nhà khoa học đã biết điều này trong nhiều thập kỷ". Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, Gradisar khuyến nghị sử dụng liệu pháp ánh sáng buổi sáng được điều chỉnh phù hợp với thời gian đồng hồ sinh học của chính người đó. Liệu pháp này sử dụng ánh sáng mạnh để giúp thiết lập lại nhịp sinh học và bình thường lại giấc ngủ. "Phương pháp này đã cho thấy kết quả tốt nhất, theo các thử nghiệm lâm sàng đã được thực hiện, bao gồm cả những thử nghiệm chúng tôi đã thực hiện ở Úc", ông nói. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu có kế hoạch xác định xem liệu biện pháp can thiệp thúc đẩy giấc ngủ có cải thiện huyết áp không. Kogon nói thêm: "Chúng tôi dự định khám phá chủ đề này sâu hơn bằng cách thu thập dữ liệu về chất lượng giấc ngủ và các đo lường giấc ngủ lâu dài hơn, ở những bệnh nhân được đánh giá là có huyết áp cao". Các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp trẻ em Huyết áp cao ảnh hưởng đến khoảng 1/7 số người trong độ tuổi từ 12 đến 19, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Các chuyên gia cho biết cũng như người lớn, trẻ em bị huyết áp cao có nguy cơ bị đột quỵ và đau tim cao hơn. Giấc ngủ chỉ là một trong nhiều yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến chỉ số sức khỏe quan trọng này. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, những yếu tố ảnh hưởng khác bao gồm béo phì, thể lực, chế độ ăn uống và căng thẳng về môi trường. Theo Viện Y học giấc ngủ Hoa Kỳ, trẻ từ 6-12 tuổi nên ngủ 9-12 giờ mỗi đêm, trong khi trẻ từ 13-18 tuổi cần ngủ 8-10 giờ mỗi đêm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết thanh thiếu niên thiếu ngủ, với 6 trên 10 học sinh cấp hai và 7 trên 10 học sinh trung học ở Hoa Kỳ nói họ không ngủ đủ giấc vào các đêm học bài. (nguồn: tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|