top-banner-2

Thứ tư, 21/12/2016, 10:44 GMT+7

Nhiều nghệ sĩ Việt ra đi trong năm 2016

Năm 2016 được xem là năm nghẹn ngào của giới nghệ sĩ và người hâm mộ Việt Nam khi phải chứng kiến sự ra đi của rất nhiều nghệ sĩ lớn như: Thanh Tòng, Út Bạch Lan, Phạm Bằng, Hán Văn Tình, Trần Lập, Thanh Tùng, Minh Thuận, NSƯT Quang Lý...

NSƯT Lương Minh

Phó ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam bất ngờ bị đột quỵ vào tối 28/2 và ra đi ở tuổi 49, để lại nhiều xót xa và tiếc nuối đối với gia đình, đồng nghiệp và người yêu mến ông.

NSƯT Lương Minh sinh năm 1967 tại Hà Nội. Anh thuộc thế hệ nhạc sĩ trẻ được đào tạo tại Khoa Sáng tác Nhạc viện Hà Nội. Anh là thành viên sáng lập của Ban Nhạc nhẹ Hoa Sữa vào năm 1987 và bắt đầu công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam từ năm 1997.

Nhạc sĩ Lương Minh

Lương Minh là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: Hãy mãi là em nhé, Trao em trọn tình yêu, Câu ru chiều, Mùa thu, Chiếc lá, Lời ru năm 2000... Anh từng tổ chức thành công nhiều chương trình ca nhạc trên sóng truyền hình như: Bài hát Việt, The Remix...

Đạo diễn - NSƯT Lê Dân

Nam đạo diễn qua đời tại nhà riêng ở TP.HCM ngày 26.2, hưởng thọ 88 tuổi.

Đạo diễn, NSƯT Lê Dân tên thật là Lê Hữu Phước, sinh năm 1928 trong một gia đình trí thức ở Tây Ninh. Ông được xem là một trong những đạo diễn đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam, người góp phần tạo dựng những tên tuổi nghệ sĩ như: Thẩm Thúy Hằng, Huỳnh Thanh Trà, Băng Châu, Kiều Chinh (trước 1975), Diễm My, Việt Trinh, Thanh Thúy...

Năm 1950, khi đang du học ngành Luật tại Pháp, Lê Dân đi xem Liên hoan phim Cannes và từ đó niềm đam mê điện ảnh của ông phát sinh. Ông ghi danh tại Học viện Cao đẳng Nghệ thuật và Viện Nghiên cứu Điện ảnh Paris. Ông từng đạo diễn các phim như: Loan mắt nhung, Tình Lan và Điệp, Ông cố vấn, Người con gái đất đỏ, Xương rồng đen...

Nhạc sĩ Thanh Tùng

Sáng 15.3, nhiều nghệ sĩ và khán giả không khỏi bàng hoàng khi nghe tin nhạc sĩ “Một mình” qua đời sau 12 ngày nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, hưởng thọ 68 tuổi.

Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh năm 1948 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Năm 6 tuổi, ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên năm 1971, khi mới 23 tuổi. Trở về nước, Thanh Tùng đảm nhận vai trò chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II từ 1971 tới 1975.

Nhạc sĩ Thanh Tùng.

Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: Hát với chú ve con, Hoàng hôn màu lá, Một mình, Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình của mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Câu chuyện nhỏ của tôi, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Lối cũ ta về...

Nghe tin nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời, những người yêu nhạc Việt và các nghệ sĩ từng gắn bó với ông không khỏi đau buồn. Trong mắt ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, Thanh Tùng là người rất đào hoa, ga lăng và tỉ mỉ. Ông có một tâm hồn như chính những tác phẩm của ông. Nhạc sĩ Quốc Trung ngưỡng mộ tình yêu dành cho gia đình và con cái của người thầy. Thanh Lam, Tùng Dương tiếc nuối vì chưa kịp làm liveshow nhạc Thanh Tùng.

Nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập

“Thủ lĩnh” của ban nhạc Bức Tường đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 17/3 sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng, hưởng dương 42 tuổi.

Trần Lập (tên khai sinh Trần Quyết Lập), sinh ngày 12.12.1974 tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Là con út trong một gia đình đông anh em. Từ nhỏ, Trần Lập đã có những biểu hiện về khả năng âm nhạc.

Trần Lập khởi đầu sự nghiệp nghệ thuật của mình khi theo học lớp kỹ thuật biểu diễn và thanh nhạc của khoa Sân khấu, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội từ năm 1993 đến năm 1997. Năm 1994, anh cùng bạn bè thành lập ban nhạc rock Bức Tường và giữ vai trò “thủ lĩnh”.

Nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập.

Anh cũng đảm nhận vai trò sáng tác chính với hơn 30 ca khúc, đặc biệt với nhạc phẩm “Đường đến đỉnh vinh quang”, Tâm hồn đá", "Bông hồng thủy tinh"... Đây là những ca khúc đưa Bức Tường trở thành ban nhạc rock có số lượng người hâm mộ lớn nhất tại Việt Nam.

Ngoài ca hát, Trần Lập từng tham gia vài chương trình truyền hình, làm người dẫn chương trình, cũng như giám khảo của chương trình Giọng hát Việt mùa thứ nhất.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời ngày 14/4, sau thời gian dài chống chọi với bệnh suy tim, suy thận, hưởng thọ 76 tuổi. Ông tên thật là Nguyễn Đình Ánh, năm 1939 tại Phan Rang. Nguyễn Ánh 9 chơi dương cầm từ nhỏ, năm 11 tuổi, ông cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu theo đuổi con đường âm nhạc.

Nhiều nhạc phẩm của ông rất được khán giả yêu mến: Tình yêu đến không giã từ, Mênh mông tình buồn, Cho người tình xa, Cô đơn, Buồn ơi chào mi, Không 1, Không 2, Ai đưa em về, Tình khúc chiều mưa…

Ca sĩ, diễn viên Minh Thuận

Sau nửa tháng điều trị căn bệnh ung thư phổi, ca sĩ - diễn viên Minh Thuận đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 18/9 tại bệnh viện ở TP.HCM, hưởng dương 47 tuổi. Sự ra đi của anh quá đột ngột khiến người thân, bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ đều hết sức bàng hoàng.

Ca sĩ – diễn viên Minh Thuận tên thật Nguyễn Minh Thuận, sinh ngày 12/9/1969 tại Sài Gòn. Anh là nghệ sĩ nổi tiếng cùng thời với Phương Thanh, Lam Trường, Cẩm Ly... Từ đầu thập niên 90, Minh Thuận - Nhật Hào tạo thành đôi song ca ăn ý, được nhiều khán giả yêu thích qua các bài hát như: Chiếc thuyền nan, Cô bé dỗi hờn, Thất tình, Chỉ còn trái tim, Mong đợi ngậm ngùi, Không cần tình yêu…

Ca sĩ, diễn viên Minh Thuận.

Khoảng năm 1996, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp cặp đôi này bất ngờ tách nhóm. Con đường âm nhạc của Minh Thuận từ đó không thuận lợi. Anh chuyển hướng đóng phim truyền hình và điện ảnh. Trong đó, vai Ninh Lâm (hay còn gọi là Lâm Ca rô) của anh trong phim truyền hình Cô gái xấu xí được khán giả rất yêu thích. Tại cuộc thi Gương mặt thân quen 2014, Minh Thuận giành giải Á quân với phần phụ diễn của Phương Thanh.

NSƯT Hán Văn Tình

NSƯT Hán Văn Tình đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 4/9 tại nhà riêng ở Hà Nội sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư phổi, hưởng thọ 59 tuổi.

Nghệ sĩ Hán Văn Tình sinh năm 1957 tại Văn Lang, Tam Nông, Phú Thọ, học Trường đào tạo Sân khấu ở Hà Nội từ năm 1973. Sau khi tốt nghiệp về Đoàn tuồng Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam), ông giữ cương vị đoàn trưởng đoàn 2.

Ông nổi danh với các vai Lý Đại Hỷ trong vở “Hoàng hôn đen”, ngự y trong vở “Tiếng thét giữa hoàng cung”, Hạng Võ trong trích đoạn “Hạng Võ Bại Ô Giang”, sứ nhà Nguyên trong vở “Trần Hưng Đạo”, Thổ Công trong “Bạch Tinh”… Năm 1999, ông được tặng thưởng huy chương “Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam” của Hội nghệ sĩ sân khấu.

Mặc dù là nghệ sĩ nổi danh ở sân khấu Tuồng, song ông được khán giả biết đến nhiều hơn với các vai phụ trong phim truyền hình như: Sở trong Bão qua làng, Trọc trong Canh bạc, Tuần trong Người thổi tù và hàng tổng…Đặc biệt là vai diễn Chu Văn Quềnh trong bộ phim Đất và người.

NSND Thanh Tòng

NSND Thanh Tòng – “cây đại thụ” của nền cải lương Việt Nam đã qua đời vào sáng 22/9 tại nhà riêng ở TP. HCM.

NSND Thanh Toàng tên thật là Nguyễn Thanh Tòng sinh năm 1948 tại Sài Gòn. Theo nghề hát từ năm 3 tuổi. Năm 20 tuổi, ông bắt tay viết kịch bản và có công gầy dựng nên thể loại cải lương tuồng cổ, được xem là vị thống soái của Cải lương tuồng cổ.

Nghệ sĩ Thanh Tòng.

 

Ông cất công nghiên cứu và đưa nhiều câu chuyện lịch sử Việt Nam vào cải lương tuồng cổ. Không chỉ diễn, viết kịch bản, ông còn là đạo diễn dàn dựng rất chắc tay và được các thế hệ nghệ sĩ kính trọng tôn làm thầy.

 

Một số vở mang dấu ấn của ông: Thanh gươm và nữ tướng, Gió lộng bến Bình Than, Dưới cờ Tây Sơn, Bao Công vô lò gạch tra án Quách Hòe…Ông được Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND vào năm 2007 và là nghệ sĩ nhiều năm đoạt giải Mai Vàng cả vai trò diễn viên và đạo diễn.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn qua đời ngày 7/10 vì tuổi già sức yếu, hưởng thọ 87 tuổi. Đại tá, NSƯT, nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh 1929 tại Hà Nội. Ông được biết đến như một trong những nghệ sĩ hiếm hoi thành công trrên cả hai lĩnh vực âm nhạc và hội hoạ.

Với âm nhạc, ông có nhiều tác phẩm để đời như: Quê em miền Trung du, Hà Nội một trái tim hồng, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Chiều trên bến cảng, Tình em biển cả, Mời anh đến thăm quê tôi, Khâu áo gửi người chiến sĩ...

Năm 1944, ông học vẽ tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tháng 8-1945, ông tham gia giành chính quyền ở Hà Nội và viết ca khúc đầu tiên. Năm 1946, ông tham gia Đoàn Kịch Sao Vàng cùng nhạc sĩ Đỗ Nhuận, và tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Pháp, ông được biết đến qua bài hát nổi tiếng Quê em miền Trung du.

Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật. Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Ông là một cựu sĩ quan quân đội với quân hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam và từng được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba vì những đóng góp của mình. Ngoài âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn còn vẽ nhiều tác phẩm sơn mài với những gam màu trầm ấm, thấm đẫm chất thơ.

NSƯT Phạm Bằng

NSƯT Phạm Bằng qua đời vào ngày 31.10 tại một bệnh viện ở Hà Nội, hưởng thọ 85 tuổi. Sự ra đi đột ngột của ông khiến nhiều nghệ sĩ cảm thấy day dứt vì không được gặp ông lần cuối.

NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội. Ông vừa là nghệ sĩ sân khấu vừa diễn hài kịch. Ông nổi tiếng với các vai diễn hài mang lại tiếng cười cho nhiều tầng lớp khán giả.

Nghệ sĩ Phạm Bằng.

Phạm Bằng đến với sân khấu kịch từ sớm. Năm 1959, ông tham gia đoàn kịch nghiệp dư của nhà thơ Hoàng Cầm, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Sau đó ông được tuyển vào đoàn văn công Hà Nội. Khi Nhà hát Kịch Hà Nội được thành lập, ông tham gia nhiều vai diễn, nổi tiếng với các vai phản diện.

Năm 1975, Phạm Bằng chuyển sang đoàn kịch nói Trung ương. Phạm Bằng đoạt hai Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc (vai Lý Trưởng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và vai Thương trong “Mớ đời Thương”.

Ngoài ra ông còn tham gia nhiều tiểu phẩm hài, hài Tết, Gala cười, Gặp nhau cuối năm... Tham gia đóng phim Ngày lễ thánh, Đất mẹ. Năm 1993, nghệ sĩ Phạm Bằng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

NSƯT Út Bạch Lan

NSƯT Út Bạch Lan - một giọng ca mẫu mực và tài năng của nghệ thuật sân khấu cải lương qua đời tại nhà riêng ngày ngày 5/11 sau thời gian chống chọi căn bệnh ung thư gan, hưởng thọ 81 tuổi.

Nghệ sĩ Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935, tại Long An. Bà thành danh trên sân khấu cải lương miền Nam từ những năm 1960 với vai cô lái đò trong vở Tình tráng sĩ. Sau đó, bà gây tiếng vang, ghi dấu ấn qua các vai diễn trong nhiều vở tuồng nổi tiếng như: Nửa đời hương phấn, Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Người đẹp thành Bát Đa... Đến nay, bà được xem là nghệ sĩ gạo cội của làng cải lương, là "viên ngọc quý" với giọng hát và phong cách diễn mượt mà, trữ tình có một không hai.

"Sầu nữ" Út Bạch Lan.

Trong cuộc đời làm nghệ thuật, bà dìu dắt, nâng đỡ nhiều nghệ sĩ trẻ, trong đó có ba nghệ sĩ đã được nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT Mỹ Thu, Phương Hồng Thủy, Ngân Vương. Trong nghề, bà được nhiều lớp nghệ sĩ gọi thân thương là “má Út”.

Hơn 60 năm gắn bó cùng sân khấu, ngoài những giải thưởng đạt được trong nghề, nữ nghệ sĩ được báo giới và khán giả ưu ái dành tặng các danh hiệu như "Đệ nhất đào thương", "Nữ hoàng vọng cổ", "Sầu nữ Út Bạch Lan"...

Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng nhiều năm qua, “sầu nữ” Út Bạch Lan vẫn miệt mài với sàn diễn cải lương, hỗ trợ lớp nghệ sĩ trẻ cũng như tâm huyết với các chương trình từ thiện. Cùng các nghệ sĩ trong nhóm như Diệu Hiền, Tô Châu, Bảo Trân, Thanh Sử… bà thường xuyên biểu diễn văn nghệ để gây quỹ từ thiện cho chùa, hoặc giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khi còn sống, bà cũng ăn chay trường, niệm Phật.

NSƯT Quang Lý

NSƯT Quang Lý đột ngột qua đời sáng 1/12 tại nhà riêng ở TPHCM. Rất nhiều người thân, nghệ sĩ và người hâm mộ đã hết sức bàng hoàng trước sự ra đi của nam nghệ sĩ này.

NSƯT Quang Lý đột ngột qua đời khiến nhiều người hết sức bàng hoàng. Ảnh: GĐTH.

Nghệ sĩ Quang Lý sinh năm 1949 trong một gia đình gốc Việt tại Thái Lan. Năm 9 tuổi, ông theo gia đình về Việt Nam định cư ở Hải Phòng. Ông lập gia đình năm 25 tuổi. Những ngày đầu trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật, Quang Lý công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn ca múa nhạc Hải Phòng. Đầu những năm 1970, ông tham gia vào Đoàn Văn công Đài Phát thanh Giải phóng.

Đến năm 1983, Quang Lý đưa gia đình vào TP.HCM rồi làm việc tại đoàn ca múa nhạc Bông Sen cho đến bây giờ. Trong những năm qua, ông cũng làm công tác giảng dạy thanh nhạc tại Nhạc viện TP.HCM.

Trong làng nhạc, nghệ sĩ Quang Lý là một trong những giọng ca được yêu thích nhất của dòng nhạc trữ tình Việt Nam từ sau 1975. Hơn 40 năm ca hát, NSƯT Quang Lý trung thành với phong cách trữ tình. Giọng hát trầm ấm của ông đã đưa nhiều nhạc phẩm như Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Sao em nỡ vội lấy chồng... thấm sâu vào lòng nhiều khán giả. Tháng 11/2009, Nghệ sĩ ưu tú Quang Lý ra mắt album với tên Cung Trầm, trong đó có tám bài hát do ông sáng tác. Đây được xem là bước ngoặt mới trên con đường nghệ thuật của ông.

Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT do có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam.

Theo Motthegioi.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nhiều nghệ sĩ Việt ra đi trong năm 2016

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3