Huỳnh Phú Kiệt, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Toàn Thịnh Phát - Sự trong sáng không bao giờ mất |
Giữ được tình bạn lâu bền trong cuộc sống đã khó, trong kinh doanh còn khó hơn nhiều. Vậy mà năm chàng trai: bốn kiến trúc sư và một kỹ sư xây dựng đã sát cánh bên nhau hơn mười năm qua, để đưa Toàn Thịnh Phát thành thương hiệu uy tín trong bốn lĩnh vực xây dựng, giáo dục, đầu tư và phát triển dự án. Sóng gió, thăng trầm, mất mát... chỉ càng làm cho tình bạn của họ thêm gắn bó. Người đại diện đứng đầu ngọn sóng ấy là kiến trúc sư Huỳnh Phú Kiệt, chủ tịch hội đồng quản trị. * Tốt nghiệp đại học Kiến trúc năm 1994, đầu quân về hội Kiến trúc sư Việt Nam, và đã có nhiều công trình đoạt giải thưởng kiến trúc quốc gia, vì sao anh lại quyết định “sang ngang”, khởi nghiệp kinh doanh cùng những người bạn? - Cơ duyên đến với tôi từ may mắn khi được nhận thiết kế toà nhà trụ sở cho Sacombank, từ đó biết anh Đặng Văn Thành, lúc đó là chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank. Chính anh Thành là người thầy, gợi mở cho tôi bước vào kinh doanh, còn sư phụ tôi, kiến trúc sư Khương Văn Mười thì luôn đứng sau động viên, cổ vũ. Khi tôi thuyết phục năm người bạn lập công ty, cũng nhiều ý kiến lắm, có người cho rằng ba bảy bữa cũng rã đám. Khởi nghiệp bằng ước mơ và được thắp lên bởi niềm tin, hy vọng. Bên cạnh đó là sự khát khao cống hiến. Hành trình hơn mười năm ngang qua muôn vàn khó khăn về nhân lực, đối tác, thị trường, năng lực và kinh nghiệm... những bước chân non trẻ của chúng tôi lúc ấy chỉ nghĩ rằng mình đang thực hiện ước mơ thời thơ ấu là cùng bạn bè tạo dựng một mái nhà chung mà mình có thể tự hào. * Ít có doanh nghiệp nào đưa “sự trong sáng” vào văn hoá doanh nghiệp, đó có phải là bí quyết đã giúp anh giữ được bạn bè trong môi trường kinh doanh đầy va chạm giữa danh, lợi, tình? - Trải qua nhiều thành bại trong kinh doanh, điều quan trọng nhất để giữ được tình bạn là mọi người phải tuyệt đối giữ gìn những nguyên tắc đã đặt ra với nhau. Phải đặt uy tín và danh dự của công ty lên trên hết. Chuyện gì khó cùng nhảy vô làm, thuận lợi cùng nhau hưởng. Là người nhận trọng trách đứng đầu, làm việc với toàn bạn bè, nhiều khi bức xúc, cô đơn lắm. Giá trị tinh thần quý nhất mà chúng tôi tạo dựng được đến hôm nay chính là giữ được sự đoàn kết, trung thực, trách nhiệm, sự cầu tiến, nhiệt huyết, và nhất là sự trong sáng, không nghi kỵ lẫn nhau. Muốn yêu thương, trước hết phải có niềm tin. Nghề của mình cái gì cũng đụng tới tiền, mua bán chỉ cần kê thêm một chút là chết. Điều hành một công ty doanh thu mỗi tháng từ năm trăm đến cả ngàn tỉ đồng, nhưng chưa bao giờ tôi quan tâm đến nhà thầu phụ ngoài năng lực chuyên môn của họ. Đó là nguyên tắc của tôi. Những gì mình làm anh em đều thấy. Mình làm có cái hay, cái dở, có thành công, thất bại, nhưng sự trong sáng thì không bao giờ mất. * Hơn mười năm qua, thử thách nào lớn nhất đã khiến cho tình bạn giữa năm người tưởng chừng phải tan rã? - Đó là giai đoạn 2002. Chúng tôi đều là dân kiến trúc, không mạnh về thi công, chỉ quen làm nhà phố, villa nhỏ. Khi lên chính quy, nhận những công trình cao tầng, đầu tiên là phải thay đổi cả quy trình và con người. Tôi đứng trước quyết định rất khó khăn, những đối tác yêu cầu rất cao đã không đồng ý để anh em đứng trong đội ngũ. Cho anh em nghỉ thì dễ quá, giữ anh em lại mới khó. Muốn thế, phải điều chỉnh, phân lại vai trò, vị trí, trách nhiệm từng người, chấp nhận thử thách một thời gian để xem anh em có phù hợp không với vị trí mới. Mặt khác, cho anh em đi học các đơn vị chuyên nghiệp hơn trong cách làm. Riêng tôi, phải cố gắng chọn những giải pháp nhẹ nhàng, nếu không, sẽ mất người, mất bạn, mất đối tác. Nhân vô thập toàn, có những ngày ngồi suy nghĩ nát óc xem tối nay gặp bạn, gặp đối tác, sẽ nói như thế nào để bạn hiểu mình. Khi Sacombank chưa đổi chủ, dàn giám đốc của chúng tôi được coi là “cứng” nhất, làm công trình 20, 25 tầng không có vấn đề gì. Năm 2010, Toàn Thịnh Phát đã lọt vào top 6 trong ngành xây dựng – thiết kế của cả nước do VCCI và FTA Việt Nam bình chọn. Ít ai biết đã có lúc anh em chúng tôi từng phải đối diện với chuyện nghỉ việc... * Nhưng khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của Toàn Thịnh Phát, nhất là mảng đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính. Năm người đã “chia lửa” với nhau như thế nào khi cuộc sống luôn đầy bất trắc, con người có lúc mạnh, lúc yếu? - Tôi lại không lo khủng hoảng kinh tế khi đã có sự đồng lòng của anh em. Anh em trong ban giám đốc sẵn sàng giảm lương từ 10 – 15% rất dễ dàng, lĩnh lương sau nhân viên mình cả tháng, khi hết khó lại phục hồi. Nhờ có cái nền vững nên khi bão lớn, căn nhà chỉ lắc qua lắc lại... Chúng tôi chơi với nhau từ lâu lắm rồi nên điểm mạnh, điểm yếu mỗi người mình đều hiểu rõ. Năm anh em như một bàn tay. Chia sẻ với nhau trong suy nghĩ, cách làm, công việc gia đình, và cả tiền bạc nữa. Khi người này gặp khó, người kia sẵn sàng mua lại cổ phiếu, mai mốt anh em có tiền sẽ mua lại của nhau... Bạn bè hoạn nạn mà không chia sẻ được cũng khó chịu lắm. Tôi thì mạnh về tư duy chiến lược, hô hào cầm quân đánh trận, nhưng công tác kiểm soát, chi phí hậu cần không giỏi. Ngược lại, kiến trúc sư Đoàn Thanh Việt, trưởng ban kiểm soát lại sở trường về điều đó. Với phòng kiểm soát nội bộ hoạt động rất gắt gao, anh làm rất tốt công việc cảnh báo mỗi khi một trong 15 đơn vị thành viên có trục trặc, và “dọn dẹp” tươm tất, sạch trơn. Kỹ sư xây dựng Trần Nguyên Huân lại rất giỏi về ngoại giao, những chỗ ai cũng ghét mình, đưa anh vào là người ta thương. Kiến trúc sư Nguyễn Minh Huy suy nghĩ cái gì cũng tới nơi tới chốn, có chiều sâu, nên anh đảm đương vai trò lập trình những quy chế, quy trình. Có lẽ nhờ tôn trọng sự khác biệt, bổ sung cho nhau, không tư lợi, mọi mâu thuẫn đều xuất phát từ công việc nên chúng tôi làm việc với nhau say sưa lắm. Không chỉ choàng gánh trong công việc, khi đã ngồi nhậu với nhau, là không biết say. * Anh đã học được từ hai người thầy của mình điều gì quý giá nhất? - 12 năm làm ở hội Kiến trúc sư, tôi đã học được từ thầy Mười rất nhiều về chuyên môn. Nhân cách, sự trong sáng, niềm tin, cách hành xử khiêm tốn, nhường nhịn của thầy đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của tôi. Anh Đặng Văn Thành lại là người rất năng động, sáng tạo trong kinh doanh, chuyên nghiệp trong điều hành. Chính anh đã thổi bùng ngọn lửa khát khao, hoài bão đóng góp cho đất nước, cho cộng đồng trong tôi. Lúc nào anh cũng thôi thúc chúng tôi, vươn ra biển cũng là nhờ được anh tập bơi. * Sự kiện của anh Đặng Văn Thành, đã tác động thế nào đến anh khi nghĩ về “đời doanh nhân”? - Qua bao sóng gió, Sacombank tưởng chừng vững như bàn thạch, vậy mà... Sự kiện anh Thành không chỉ riêng tôi, mà là bài học đối với rất nhiều doanh nhân. Hơn ai hết, Chính phủ phải quan tâm thực sự đến doanh nghiệp dân doanh, coi họ như một lực lượng nòng cốt để phát triển đất nước, tạo công ăn việc làm cho xã hội. Niềm tin doanh nghiệp bị giảm sút vô cùng không phải chỉ vì kinh tế suy giảm, mà vì chưa thấy ánh sáng khi nhìn vào môi trường kinh doanh, nhìn vào tương lai... Cách đây mấy chục năm, anh Thành đã nói: “Doanh nghiệp không có tuổi thọ, nhưng doanh nhân thì có tuổi thọ”. Tuổi thọ ấy dài ngắn bao nhiêu khôn lường lắm, chẳng còn cách nào khác là phải tin vào chính mình, và tin vào đồng đội, những người kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ với mình. Nghĩ như thế mới có thể lấy lại sức chiến đấu, vì đằng sau mình là hàng ngàn con người, gia đình, không thể vì buồn mà buông vũ khí được. * Nhiều doanh nghiệp đã đổ vỡ hàng loạt vì kinh doanh đa ngành, không tập trung vào thế mạnh cốt lõi trong khi đó anh vẫn quyết định đầu tư trọn gói vào giáo dục, từ mẫu giáo đến hết trung học ở TP.HCM đến Bình Dương, Đồng Nai... dường như quá mạo hiểm? - Gia đình tôi hầu hết đều theo nghề giáo, chỉ có mình tôi đột phá bước sang kiến trúc. Năm 2005, tôi đầu tư vào giáo dục cũng bắt đầu từ cái duyên của gia đình. Lúc ấy cha mẹ tôi xuất cảnh, để lại ngôi trường Lê Quý Đôn do chính ông bà dày công vun đắp. Từ đó đến nay, hệ thống giáo dục Toàn Thịnh Phát đã có bảy trường, 6.000 học trò, trong đó Lê Quý Đôn là một trong năm trường hàng đầu của Đồng Nai. Chúng tôi đang chuẩn bị mở thêm bảy trường nữa. Đam mê nhất của người làm giáo dục là nhìn thấy thành công của học trò. Đầu tư giáo dục là đầu tư cho con người và cho cả xã hội. Là một trong những nhà đầu tư tiên phong, góp phần hình thành và hoàn thiện loại hình trường dân lập tư thục của cả nước, trong tương lai không xa, Toàn Thịnh Phát hướng đến mục tiêu đào tạo bậc cao đẳng – đại học. Chính chất lượng đào tạo và sự tin tưởng của phụ huynh, học sinh thể hiện qua chỉ tiêu tuyển sinh ổn định hàng năm đã đem lại nguồn lợi nhuận ổn định cho công ty. Từ xây dựng, kiến trúc đến giáo dục, lĩnh vực nào cũng cần một đội ngũ chuyên nghiệp riêng. Công ty quản lý giáo dục của Toàn Thịnh Phát hoạt động giống như một sở giáo dục, cũng dự giờ, thăm lớp thường xuyên. Nhờ kiểm soát tốt nguồn vốn cấp cho các dự án và công ty thành viên, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư từng lĩnh vực và dự án, chúng tôi đang sở hữu những dự án được nhà đầu tư và khách hàng đánh giá cao như làng biệt thự chuyên gia Villa Bình An (Bình Dương), chuỗi dự án The Pegasus gồm làng biệt thự khép kín The Pegasus Residence – Biên Hoà, khu trung tâm thương mại – dịch vụ – nhà ở The Pegasus Plaza – Biên Hoà (Đồng Nai), The Pegasus Resort – Phan Thiết... * Áp lực lớn nhất với một kiến trúc sư là gì? Làm thế nào để hài hoà giữa con người đầy cảm xúc của một kiến trúc sư và cái đầu lạnh của một nhà kinh doanh? - Phải hiểu được chủ đầu tư muốn gì, và đưa được hơi thở cuộc sống vào công trình kiến trúc, nếu không, công trình sẽ không có sức sống. Tôi may mắn được gặp những đối tác đàng hoàng, làm việc trong môi trường của hội Kiến trúc sư, nên cạnh tranh lớn nhất vẫn là cạnh tranh trong nghề nghiệp, về chất lượng, giữa đẹp và xấu... Khi gặp một đối thủ giỏi hơn mình, thực sự rất ngưỡng mộ. Đó là cuộc cạnh tranh hết sức lành mạnh. Nếu được chọn, tôi vẫn muốn được làm nghề kiến trúc, kiến trúc thay đổi với tốc độ chóng mặt, nếu không cập nhật liên tục, sáng tạo liên tục, sẽ bị tụt hậu ngay. Kiến trúc sư một nửa là nghệ sĩ, một nửa là nhà khoa học, khi bước vào kinh doanh, tôi phải học rất nhiều để cộng thêm một nửa nữa, để đạt được tính hiệu quả, hài hoà giữa ý tưởng và lợi ích của doanh nghiệp, của xã hội, hài hoà giữa thẩm mỹ và kinh doanh. * Theo anh, làm sao để có thể sống đẹp, chơi đẹp, kinh doanh đẹp? - Muốn biết một doanh nhân sống, kinh doanh, chơi như thế nào, hãy nhìn vào cha mẹ, bạn bè, vợ con, đối tác của họ. Mình không thể sống đẹp, chơi đẹp, kinh doanh đẹp khi những người xung quanh mình không đẹp. Nếu điều gì mình không thích, thì đừng làm cho người khác. Mình muốn mọi người tôn trọng mình, thì trước tiên phải tôn trọng họ. Mình muốn nhân viên khiêm tốn, thì trước tiên phải biết khiêm tốn trước người khác. Tôi thường nói đùa với anh em, mọi thứ đều là chuyện nhỏ, chỉ có vợ nhỏ là chuyện lớn, mà mình thì không dám làm chuyện lớn. Gia đình với tôi là quan trọng nhất, đi đâu cũng phải quay về. * Anh có thấy giữa kinh doanh và tâm linh có một mối tương giao kỳ lạ? - Thời trẻ, tôi là một kẻ vô thần, nhưng càng lớn tuổi tôi càng thấy rất rõ điều đó. Tôi có niềm tin vào những ứng nghiệm tâm linh. Tôi tin nếu mình sống tốt, sẽ có quý nhân phù trợ. Cuộc đời kinh doanh của tôi lúc nào khó khăn cũng có người giúp mình, do đó càng phải sống tốt hơn. * Làm thế nào để anh giữ được nhiệt huyết và sự trẻ trung? - Phải biết tự tạo cho mình niềm vui. Tôi thích chơi thể thao, đánh tennis, bơi lội, đá banh và uống càphê với bạn bè. Toàn Thịnh Phát có một đội ngũ vừa mê thể thao, vừa yêu âm nhạc, chính điều đó khiến chúng tôi làm việc không biết mệt. Theo SGTT Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|